General Information

Author:
Issued date: 26/07/2006
Issued by:

Content


Trong các hệ sinh thái thủy vực, các loài vi tảo ngoài chức năng là những sinh vật sản xuất sơ cấp còn là nguồn dinh dưỡng chủ yếu của nhiều loài động vật phù du, ấu trùng tôm cua, một số loài thân mềm ăn lọc và cá, v.v. Phần lớn các loài vi tảo là có lợi cho các sinh vật khác. Tuy vậy, một phần nhỏ trong chúng, với khoảng 100 loài trong tổng số trên 5.000 loài tảo phù du đã được phát hiện trên thế giới thuộc tảo khuê (Bacillariophyta), tảo giáp (Dinoflagellata), các tảo có roi khác và vi khuẩn lam (Cyanobacteria) có chứa các độc tố gây hại cho sinh vật khác.

Các loài tảo và vi khuẩn có chứa các sắc tố màu khác nhau, sống trôi nổi, dưới những điều kiện môi trường nhất định có thể sinh trưởng thành các quần thể to lớn ở vùng ven bờ gây nên sự đổi màu nước. Sự đổi màu nước tự nhiên thành mầu đỏ, nâu, vàng nâu nhạt (màu hổ phách) hoặc xanh vàng ở các vùng nước rộng lớn diễn ra là kết quả của sự nở hoa (Algal blooms) của các loài vi tảo và vi khuẩn lam trong thủy vực. Màu đặc trưng của Biển Đỏ gây nên bởi sự nở hoa của vi khuẩn lam Oscillatoria erythraeum mà chúng có chứa các sắc tố đỏ phycoerythrin, v.v.

“Thủy triều đỏ” là sự sinh trưởng mạnh mẽ của các loài phù du nào đó gây ra làm đổi màu nước. Các loài này có thể sản sinh ra độc tố gây chết tôm, cá, thân mềm và con người ăn phải cũng bị ngộ độc và có thể bị tử vong.

Hiện tượng nở hoa của tảo độc hại Harmful Algal Blooms) là các sự kiện mà tại đó sự tăng mật độ của một hoặc một số loài tảo độc hại đạt tới mức có thể gây nguy hại tới các sinh vật khác.

Người ta chia hiện tượng nở hoa của tảo độc hại thành một số loại sau:

1. Các loài không chứa độc tố nhưng khi nở hoa làm thay đổi màu nước; dưới những điều kiện đặc biệt chẳng hạn như trong các vịnh kín, tảo nở hoa có thể tăng đến mật độ rất cao làm chết cá và các động vật không xương sống có trong thủy vực đó do cạn kiệt oxy. Tiêu biểu trong nhóm này là các loài: Gonyaulax polygramma, Noctiluca scintillans (tảo giáp), Trichodesmium erythraeum (tảo lam).

2. Các loài sản sinh ra các độc tố mạnh mà ta có thể phát hiện được thông qua chuỗi thức ăn tới con người, gây nên một loạt các chứng bệnh về thần kinh và tiêu hóa, chẳng hạn như:

-PSP (Paralytic Shellfish Poisoning) do các loài tảo giáp: Alexandrium acatenella, A. catenella, A. cohorticula, ... sản sinh ra.

-DSP (Diarrhetic Shellfish Poisoning) do các loài tảo giáp Dinophysis acuta, D. acuminata, D. fortii, D. norvergica, ... sản sinh ra.

- ASP (Amnesic Shellfish Poisoning) do các loài tảo khuê Pseudonitzschia multiseries, P. pseudodelicatissima, P. australis, ... sản sinh ra.

-CFP (Ciguatera Fish Poisoning) do các loài tảo giáp chủ yếu sống đáy Gambierdiscus toxicus, Ostreopsis spp, Prorocentrum spp, ... sản sinh ra.

-NSP (Neurotoxic Shellfish Poisoning) do các loài Gymnodinium breve, Gymnodinium G. cf.breve (New Zealand), ... sản sinh ra.

-Các độc tố tảo lam do các loài tảo lam Anabaena circinalis, Mycrocystis aeruginosa, Nodularia spumigena, ... sản sinh ra.

3. Các loài không độc với người nhưng lại độc với cá và các động vật không xương sống (đặc biệt trong các hệ thống nuôi thâm canh) do phá hủy hoặc làm tắc các mang của chúng; bao gồm các loài tảo khuê Chaetoceros convolutus, tảo giáp Gymnodinium mikimotoi,... gây nên.

Một vài loài tảo có thể gây độc ngay ở mật độ thấp chưa làm thay đổi màu nước, chẳng hạn như loài Alexandrium tamarense, các độc tố PSP được phát hiện trong thân mềm khi mật độ của loài này thấp hơn 103 tế bào/lít, trong khi các tảo khác thường gây hại khi chúng xuất hiện ở các mật độ cao hơn, làm thay đổi màu nước và kết quả là gây nên thủy triều đỏ. Loài Gyrodinium aureolum gây chết cá và các động vật đáy ở mật độ cao hơn 107 tế bào/lít (Andersen, 1996).

Những tác hại do tảo độc hại nở hoa gây nên là rất lớn. Người ta đã thống kê được từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1989 tại các vịnh Villareal, Carigara và vùng Samar (Philippin) đã có 45 người bị ngộ độc, trong đó có 6 người chết. ở vịnh Manila từ năm 1988 đến nay đã có 672 trường hợp bị ngộ độc, trong đó có 101 người chết. Năm 1989 ở vịnh False (Nam Phi) loài Gymnodinium sp. nở hoa đã làm chết khoảng 40 tấn bào ngư. ở Monte Hermosa (Achentina) từ ngày 11 đến ngày 17/11/1995 tảo độc nở hoa đã làm chết khoảng 45 triệu con ngao (Mesoderma macroides).

Theo thống kê của Fukuyo (1992), các loài tảo độc hại nở hoa ở biển Seto Inland (Nhật Bản) đã gây nên những thiệt hại về kinh tế rất lớn; cụ thể là từ năm 1987 đến năm 1991 ở khu vực này đã xuất hiện 745 lần tảo nở hoa trong đó có 46 lần gây chết cá hàng loạt với tổng số thiệt hại là 4.452 triệu yên, v.v.

Ở Việt Nam, một số lần tảo độc hại nở hoa làm thiệt hại về kinh tế đã được ghi nhận: vào tháng 5, 6/1995 tảo Noctiluca scintillans nở hoa ở khu vực vịnh Văn Phong – Bến Gỏi thuộc vùng biển Khánh Hoà đã làm chết khoảng 20 tấn tôm hùm với thiệt hại ước tính khoảng 6 tỷ đồng (Nguyen Ngoc Lam et al., 1996).

Tài liệu tham khảo

1. Nguyen Ngoc Lam, Doan Nhu Hai, 1996. Harmful marine phytoplankton in Vietnam water. Proceeding of the VII International Conference on Toxic Phytoplankton.

2. Andersen P., 1996. Design and implementation of some harmful algal monitoring systems, IOC Technical series, No. 44, UNESCO.

3. Graneli E., Codd G.A., Dale B., Lipiatou E., Maestrini S. Y. , Rosenthal H. (Eds), 1999. Harmful Algal Blooms in European marine and brackish waters. European Communities.

4. Ono C., Yoshimatsu S. and S. Matsuoka, 1996. Monitoring system of harmful and toxic phytoplankton in Kagawa prefecture, Japan, In Harmful and toxic algal blooms.UNESCO, Paris.

5. White A. W., Anraku M. and Hooi K. K. (Eds), 1984. Toxic red tides and Shellfish toxicity in Southeast Asia. SEAFDEC and IDRC.

TS. Nguyễn Dương Thạo.


Download