General Information

Author:
Issued date: 10/12/2007
Issued by:

Content


3. Hiện trạng rong biển Hải Phòng

3.1 Hiện trạng

Đánh giá hiện trạng rong biển Hải Phòng cần phải có các nghiên cứu, kháo sát đầy đủ về nhiều mặt. Công việc này chưa làm được, với một số chuyến khảo sát ngắn năm 2002, 2003, đối chiếu và tham khảo một số tài liệu, bước đầu xin đưa ra một số đánh giá và nhận xét như sau:

Thành phần rong: Theo thống kê của nhiều tác giả trước đây, thấy rằng nhiều loài rong đã không trong cùng địa điểm điều tra. Số mẫu thu được thường ít, chỉ đạt khoảng 50% so với thống kê, một vài điểm hầu như không thu được mẫu. Có thể lấy một số điểm điều tra sau để chứng minh:

- Đảo Hòn Dấu - Đồ Sơn không tìm thấy rong mứt hoa (Porphyra crispata), rong cải biển (Ulva conglobata), rong câu dẹp (Gracilaria textori), …

- Đầm muối Lương Năng – Cát Hải không tìm thấy rong gai chùm (Acanthophora spicifera), rong câu thắt (Gracilaria gigas), …

- Bến Bèo – Cát Bà, chi rong câu (Gracilaria), chi rong đông (Hypnea), chi rong thạch (Geledium) và nhiều nhất là chỉ rong mơ (Sarganssum) cũng hầu như không thu được mẫu, chỉ có một vài loài rong mơ trôi nổi.

Ở đây mới chỉ điểm đến những loài, những chi rong rất phổ biến và có giá trị kinh tế, dễ nhận thấy. Sự thiếu vắng chúng ở các điểm điều tra kể trên so với thống kê cũ là rất đáng phải quan tâm. Nếu điều tra đầy đủ hơn về đa dạng sinh học chắc chắn còn nhiều loài thiếu vắng. Tuy nhiên như vậy chưa hẳn những loài này đã mất và đa dạng sinh học đã giảm. Có thể chúng vẫn tồn tại nhưng ở nơi khác, sẽ tìm thấy trong thời điểm khác. Nhưng có thể coi hiện tượng này là tín hiệu thông báo không bình thường và không tốt đẹp.

Nguồn lợi rong: Từ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhiều hoạt động của con người ít nhiều đã xâm hại đến nguồn lợi rong biển. Diện tích phân bố bị thu hẹp lại do lấn biển, nhiều bãi rong đã không còn nữa, diện tích này nhiều nhất là vùng chiều cửa sông và ven đảo Cát Bà. Cac vùng bờ biển thì mật độ rong còn lại thấp, sinh lượng giảm sút do môi trường tự nhiên đã thay đổi theo xu thế xấu đi như bị nhiễm bẩn nước thải sinh hoạt, nông nghiệp, công nghiệp, nước nuôi thuỷ sản, hoạt động du lịch, giao thông vận tải,…Hàm lượng chất độc hoá học, dầu, kim loại nặng,… Ở một số nơi cao hơn mức nước cho phép như Cửa Cấm, Bến Bèo – Cát Bà và trong nhiều đầm nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều loài rong kinh tế đã khó tìm được hoặc còn rất ít. Rong câu tự nhiên sinh lượng thường không quá 0,1kg/m2, mật độ rất thưa thớt. Rong mơ tự nhiên không còn những bãi dày đặc, sinh lượng và mật độ cũng thưa thớt. Tuy nhiên cũng do một phần tác động của việc quản lý, thu hoạch chưa hợp lý, còn có nhiều loài hầu như không được khai thác, sử dụng đáng kể như nhóm rong dược liệu cũng trở nên khó tìm kiếm. Qua đó có thể thấy rõ là nguồn lợi rong kinh tế đã giảm rõ rệt về sản lượng tự nhiên (không kể đến rong nuôi trồng). Riêng chất lượng rong cần khảo sát thêm.

Khai thác chế biến và sử dụng: chế biến rong biển chính là vấn đề còn nhiều vướng mắc. Hiện nay các công trình nghiên cứu chế biến rong biển rất ít, thực sự chưa có công nghệ chế biến rong biển. chiết suất keo alginate mới ở mức độ thử nghiệm, carrageenan mới bắt đầu nghiên cứu, agar thì một số xí nghiệp tư nhân, quốc doanh đều vẫn còn sử dụng những công nghệ mang nhiều tính chất thủ công. Sản phẩm làm từ rong biển chưa trở thành hàng hoá, do vậy rất ít được lưu thông trên thị trường trong nước, lại càng khó xuất khẩu (trừ rong câu và agar). Chế biến đã như vậy thì khai thác rong biển sẽ không phát triển và có sản lượng cao. Rong mơ chỉ được khai thác trong nhiều năm trước đây. Rong câu do có đa tác dụng và chế biến được agar thực phẩm nên đã khai thác hầu hết sản lượng tự nhiên, mỗi năm (từ 1980 - 2000) thu hoạch rong câu trồng khoảng 1000 – 2000 tấn khô, một số năm còn cao hơn nữa. Những loài rong thực phẩm khác dân địa phương chủ yếu khai thác làm rau ăn.

3.2 Tiềm năng phát triển

  • Tiềm năng:

Vị trí địa lý và đặc điểm địa hình ven biển đã mang lại cho Hải Phòng nguồn lợi rong biển quan trong và có nhiều lợi thế phát triển sau này. Diện tích vùng ven biển rất rộng bao gồm các bãi chiều ven sông, cửa sông, bãi ngang đất liền, các vinh, tùng, áng, các bãi chiều ven đảo là những diện tích có thể đưa vào quản lý và nuôi trồng rong biển quý có giá trị kinh tế cao trên thị trường.

Trong 89 loài rong biển vùng Hải Phòng, có rất nhiều loài có giá trị kinh tế cao chúng có đủ tiêu chuẩn để chọn làm đối tượng nuôi trồng (trước hết là các loài rong làm nguyên liệu cho công nghiệp). Loại hình nuôi trồng rong biển rất phong phú vừa có loài trồng trong ao đầm có đê cống, vừ có loài trồng trên mặt đáy, vùng triều, các tùng áng. Thêm vào đó là thời gian trồng rong có thể kéo dài 5 – 6 tháng/năm, một số gần như quanh năm.

Những thuận lợi nói trên nếu được tận dụng triệt để sẽ đưa lại kết quả tốt, rong biển sẽ trở thành mặt hàng rất quan trọng trong kinh tế thuỷ sản, giải quyết công ăn việc làm cho một số dân ven biển.

  • Một số khó khăn cần giải quyết

Chưa có công nghệ chế biến rong biển, chỉ mới có công nghệ chế biến agar ở trình độ thấp nên hầu hất sản phẩm rong biển chưa trở thành hàng hoá, giá trị kinh tế còn thấp. Do vậy nhu cầu tiêu thụ rong biển không lớn, người sản xuất chưa thu được nhiều lợi ích kinh tế nên chưa tích cực khai thác và nuôi trồng rong biển.

Chưa có quy hoạch dài hạn và ngắn hạn cho quản lý nuôi trồng rong biển. Chưa có định hướng cho nghiên cứu và sản xuất rong biển phát triển, chỉ có một số kết quả nghiên cứu và phát triển nghề trồng rong câu. Nhưng từ năm 2000 đến nay diện tích trồng bị thu hẹp lại rất nhiều do giá rong nguyên liệu thấp, hiệu quả kinh tế cho người sản xuất cao.

Môi trường sinh thái không ổn định và đang có nguy cơ bị xâm hại ở một số nơi do các hoạt động kinh tế xã hội ven biển gây ra như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ ở cửa sông đổ ra, nước thải của nuôi trồng thuỷ sản, công nghiệp, dịch vụ ven bờ đổ ra, dầu thải từ các bến cảng, các tàu cá thải ra.

Một số dối tượng rong kinh tế chưa được đầu tư nghiên cứu sâu để tìm ra những cơ sở khoa học và xác định dây chuyền công nghệ để quản lý khai thác và nuôi trồng. Do vậy trước mắt các đối tượng này chưa thể đưa vào nuôi trồng được, nếu nuôi trồng thì cũng chưa đạt hiệu quả kinh tế. Vì vậy nghiên cứu, thí nghiệm cần phải đi trước.

Chắc chắn khi phát triển nguồn lợi rong biển kinh tế cần phải đề cập đầy đủ đến những khó khăn, thuận lợi. Chìa khoá để thành công là sự đúng đắn của việc xây dựng các chương trình, dự án và tổ chức thực hiện.

Đinh Thanh Đạt

Trích bài: "Rong biển vùng Hải Phòng" trong tuyển tập các công trình nghiên cứu "nghề cá biển", tập 3, Viện Nghiên cứu Hải sản, 2005


Download