General Information

Author:
Issued date: 10/12/2007
Issued by:

Content


4.Thức ăn và tập tính bắt mồi

Cá song thuộc loại động vật ăn thịt, thức ăn chủ yếu của chúng là các loài giáp xác (Crustacae), cá (Pisces) và một số loài động vật không xương sống. Trong tự nhiên cá song thường sống ẩn nấp ở các rạn đá, hang hốc nằm chờ con mồi tới gần rồi đớp gọn. Mồi của chúng đa phần là những loài vật sống ở đáy như tôm, cua, cá, mực… Cá song săn mồi mạnh nhất vào lúc chạng vạng tối và rạng đông. Theo báo cáo của Randall (1965), thức ăn trong dạ dày cá song đỏ biển Ca – ri – bê có tới 85% là giáp xác và 17% là cá. Cá song thích ăn các loài giáp xác hơn cá, thích ăn moòi sống hơn mồi chết.

Tại các cơ sở sản xuất, thức ăn chính sử dụng để nuôi các song là cá tạp tươi băm nhỏ (cá trích, cá cơm, cá liệt,…) và thức ăn tổng hợp, tỷ lệ thức ăn hàng ngày từ 3 0 5% tổng khối lượng cá nuôi. Hệ số thức ăn của cá nuôi dao động từ 4 – 17 tuỳ theo từng loài, cá song mỡ (E.tauvina) từ 4 – 8, cá song chấm đỏ (E.akaara) từ 7 – 17. Khi cho cá ăn gõ nhẹ vào thành bè, cho ăn đúng giờ, đúng nơi quy định sẽ tạo được phản xạ cho cá.

5. Đặc điểm sinh sản:

Mùa đẻ của cá song kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, đỉnh cao là tháng 5 – 6. Đại bộ phận cá song đẻ trứng ở vùng nước sâu, trứng và ấu trùng trôi nổi theo dòng nước và thuỷ triều vào vùng nước ven bờ.

a.Biến tính đực cái:

Hầu hết cá song thuộc loại sinh sản biến tính, ở giai đoạn đầu cuộc sống chúng là loài cái sau chuyển thành cá đực (Protogynous hermaphrodite). Hầu như toàn bộ cá con sau khi trưởng thành đều là cá cái, cá đực xuất hiện ở những năm về sau khi một số cá cái biến tính thành cá đực.

- Ở cá song đỏ (E.akaara) cá cái chuyển thành cá đực vào năm thứ 4 với chiều dài từ 28 – 34 cm, khối lượng từ 0,5 – 1 kg. Quá trình này xảy ra vào tháng 4 – 5 sau khi đẻ trứng hoặc tháng 9 – 11 vào thời kỳ tái phát dục (Tseng, 1983).

- Ở cá song mỡ (E.tauvina) quá trình biến tính xảy ra đối với cá thể có chiều dài từ 65 – 75 cm và khối lượng trên 10 kg. Trên thực tế cá song đực rất hiếm, chỉ tìm thấy ở vùng biển sâu, thông thường cá có chiều dài (TL) trên 70 cm và khối lượng trên 11 kg (TAN and TAN, 1974).

b.Chín muồi sinh dục:

Cá song E.tauvina cái phát dục khi chiều dài đạt từ 42 – 50 cm với khối lượng nhỏ hơn 10 kg trong khi đại bộ phận cá đực có chiều dài trên 74 cm và khối lượng từ 10 kg trở lên. Ở cá song E.suillus hầu như cá cái có khối lượng nhỏ hơn 7 kg, còn cá đực có khối lượng lớn hơn hoặc bằng 10 kg. Cá E.akaara cái phát dục ở năm thứ 3 với chiều dài từ 28 – 32 cm và khối lượng từ 500 – 700g, cá đực lớn hơn cá cái và phát dục vào năm thứ 4. Chiều dài cá đực thường lớn hơn 39 cm và khối lượng trên dưới 1kg. Cá đực chín muồi sinh dục từ tháng 3 đến tháng 7.

c.Sức sản xuất:

Cá song có sức sản xuất từ 100.000 – 5.000.000 trứng. Cá song mỡ (E.tauvina) với chiều dài (TL) 56 cm và khối lượng 4,1kg có sức sản xuất là 2,08 x 105 trứng, cá có chiều dài 74 cm, khối lượng 10,1 kg có sức sản xuất tương đối là 2,7 x 106 trứng. Ở cá song đỏ (E.akaara) sức sinh sản tương đối từ 0,75 – 5,3x105 trứng.

d.Đẻ trứng:

Cá song bắt đầu đẻ trứng vào thời kỳ ấm áp cuối xuân hoặc đầu mùa hè, khi nhiệt độ nước biển đạt từ 250C trở lên. Tại Cô – oét cá song mỡ đẻ trứng từ giữa tháng 3 – 7. Ở biển Nam Hải cá song mỡ đẻ rộ vào giữa tháng 6, tháng 7. Ở Việt Nam cá song E.tauvina và cá song E.malabaricus đẻ rộ vào tháng 5 tháng 6.

Tại Philipine cá song E.suillus (con cái có khối lượng từ 3,5 – 5,3 kg, con đực từ 7 – 12 kg) được tiến hành cho đẻ ở bể xi măng và lồng lưới trên biển vào tháng 9 năm 1990, tần số đẻ của cá khoảng 5 – 15 lần/tháng, cá thường đẻ trước lúc trời tối (17 – 19 giờ). Ở bể xi măng quá trình đẻ trứng xảy ra 3 – 4 ngày trước tuần trăng hạ huyền.

Đào Mạnh Sơn, Đỗ Văn Nguyên

Trích bài:  "Đặc điểm sinh học, nuôi và sản xuất giống cá song (Epinephelus spp)ở miền Bắc Việt Nam", trong tuyển tập các công trình nghiên cứu nghề cá biển Tập 1, Viện nghiên cứu hải sản năm 1998


Download