Nội dung
Ngày 25 tháng 12 năm 2009, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung nghiên cứu và đề xuất phương án khai thác thử nghiệm năm 2010 của đề tài “ Nghiên cứu ngư trường, công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống (Thunnus albacares; Thunnus obesus) phục vụ nuôi thương phẩm”.
Tham dự hội nghị có các đại biểu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Ban Chủ nhiệm chương trình KC06/06-10, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hải sản, các chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác và các lĩnh vực có liên quan trong và ngoài Viện.
Các báo cáo được trình bày trong hội thảo đã đề cập đến những kết quả nghiên cứu đã đạt được trong 2 năm 2008-2009 về ba nội dung cơ bản của đề tài là điều tra nguồn lợi; nghiên cứu kỹ thuật khai thác và lưu giữ, vận chuyển cá ngừ đại dương giống, trong đó nhấn mạnh đến những kết quả, thành công của đề tài và những khó khăn cần phải giải quyết để thực hiện thành công nhiệm vụ nghiên cứu năm 2010.
Các báo cáo đã nêu bật những thành công bước đầu của đề tài là đã chứng minh được có thể khai thác cá ngừ đại dương giống với số lượng lớn tại vùng biển Việt Nam. Cụ thể trong chuyến biển 3-4/2008, tàu nghiên cứu đã khai thác được 8.669 kg cá ngừ đại dương giống; Trong mẻ lưới ngày 14/ 4/2009 đã khai thác được 2.650 kg cá ngừ đại dương giống. Cá giống có trọng lượng cá thể phổ biến từ 3-4 kg/con.
Các kết quả về điều tra nguồn lợi, điều tra ngư trường phân bố của cá ngừ đại dương giống cũng được trình bày trong hội thảo. Bước đầu xác định được ngư trường, lập các bản đồ phân bố cá ngừ đại dương giống. Khẳng định tập tính rất quan trọng của cá ngừ đại dương giống là thường tập trung tại đỉnh các gò chìm ở vùng biển xa bờ miền Trung và Đông Nam Bộ, nhờ vậy có thể sử dụng lưới vây kết hợp chà và ánh sáng khai thác đạt hiệu quả cao.
Báo cáo cũng trình bày rõ các tính toán thiết kế lồng và thi công hoàn chỉnh lồng lưu giữ, vận chuyển cá ngừ đại dương giống đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có độ bền cao, phù hợp với sức kéo của tàu cá Việt Nam. Đặc biệt lồng được thiết kế “Cửa lưới” để dồn cá bơi từ lưới vây sang lồng, không phải bắt cá ngừ đại dương giống lên khỏi mặt nước, nâng cao được tỉ lệ sống của cá.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận và bàn các biện pháp giải quyết các khó khăn của đề tài đang mắc phải. Đó là giải quyết vấn đề tách cá tạp ra khỏi cá ngừ giống; Các vấn đề về kỹ thuật khai thác, kỹ thuật kéo lồng trên biển trong điều kiện dòng chảy ngược và khoảng cách kéo lồng về bờ quá xa. Hội nghị nhất trí đề nghị nên kéo lồng về tập kết ở các đảo như Phú Quí hoặc Côn Đảo để giảm quãng đường kéo lồng và giảm tỉ lệ chết của cá ngừ đại dương giống.
Kết quả hội thảo đã giúp cho đề tài các ý kiến và giải pháp để giải quyết các khó khăn nói trên, đánh giá cao các kết quả bước đầu của đề tài và cũng xác định nhiệm vu của đề tài trong thời gian tới.