Viện trưởng Nguyễn Khắc Bát báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Bộ giao và các đề xuất, kiến nghị của Viện nghiên cứu Hải sản
Viện trưởng Nguyễn Khắc Bát đã báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ, kết quả nổi bật những năm gần đây của Viện, đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản nói chung và TP. Hải Phòng; Định hướng chiến lược phát triển, giải pháp thực hiện và một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và TP. Hải Phòng.
Các nhiệm vụ KHCN của Viện rất đa dạng, bao quát các lĩnh vực khoa học công nghệ từ công nghệ khai thác, chế biến, sau thu hoạch, sinh học biển, nuôi trồng thủy sản đến điều tra đánh giá nguồn lợi, bảo tồn, môi trường, dự báo, xây dựng giải pháp, quy hoạch... Các kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần hiệu quả trong công tác quản lý ngành thủy sản và thực tiễn sản xuất. Năm 2023, Viện nghiên cứu Hải sản đã thực hiện tổng số 58 nhiệm vụ KHCN các cấp, gồm: 01 cấp nhà nước, 21 cấp Bộ, 19 cấp tỉnh/thành phố, 17 doanh nghiệp, với tổng kinh phí thực hiện khoảng 52,3 tỉ đồng. Viện cũng đã chủ động từng bước nâng tỷ trọng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước, từ các hợp đồng dịch vụ, tư vấn cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (năm 2023, chiếm tỷ lệ 12,4% tổng kinh phí cho các nhiệm vụ KHCN). Năm 2023, các sản phẩm khoa học của Viện đạt được gồm: 38 bài báo trên các tạp chí trong nước, 14 bài báo quốc tế (06 bài báo thuộc danh mục ISI/Scopus/Scimago); 05 sách chuyên khảo, tài liệu hướng dẫn; 07 sáng kiến cấp Bộ; 01 tiến bộ kỹ thuật; 04 Bằng độc quyền Giải pháp hữu ích; 01 Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và 06 giải thưởng KHCN cấp Tỉnh/Thành phố.
Đồng chí Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá cao những kết quả của Viện trong các lĩnh vực về quản lý nghề cá, nguồn lợi, bảo tồn, dự báo, sau thu hoạch, khai thác thủy sản đã góp phần đáng kể vào sự phát triển của ngành Thủy sản. Bên cạnh đó, đồng chí Trần Đình Luân cũng đề nghị Viện chú trọng hơn nữa việc kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phục vụ sản xuất.
Đối với lĩnh vực bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản, đồng chí Đỗ Gia Khánh, Giám đốc Sở NN&PTNT Thành phố Hải Phòng cho biết, trong những năm qua Viện nghiên cứu Hải sản đã phối hợp tốt với Sở để tiến hành điều tra nghiên cứu, đánh giá trị đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật biển, cung cấp cơ sở khoa học cho việc thành lập và đi vào hoạt động khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, và hiện đang tiếp tục thực hiện đối với khu bảo tồn biển Cát Bà-Long Châu. Các công nghệ, mô hình, kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản thành phố Hải Phòng.
Đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đánh giá cao những đóng góp của Viện đối với lĩnh vực KH&CN của Thành phố. Từ khi thành lập năm 1961 đến nay, Viện luôn phối hợp tốt với địa phương, nghiên cứu xây dựng ra những quy trình công nghệ mới, được thành phố áp dụng vào thực tiễn sản xuất, phục vụ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Viện đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm thực hiện Chương trình hành động số 72-CTr/TU ngày 27/3/2019 của Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng đối với lĩnh vực thủy sản.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu ghi nhận và chúc mừng những thành tựu KHCN của Viện, đã góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung và Thành phố Hải Phòng nói riêng. Đồng chí Bí thư cũng chỉ ra những khó khăn trong việc chuyển giao những tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất và những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Để giải quyết vấn đề này, Viện cần hoàn thiện hơn các sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Viện cần chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ chuyên môn có chất lượng cao, chuyên sâu và các cán bộ có kỹ năng về phát triển thị trường. Bên cạnh đó, Viện cũng cần tăng cường liên kết nghiên cứu với các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và người dân.
Kết luận cuộp họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá cao những kết quả đạt được của Viện, đồng thời ghi nhận những nỗ lực của tập thể cán bộ Viện trong những năm qua. Bộ trưởng chỉ đạo Viện cần tập trung vào một số vấn đề sau: (1) Đổi mới tư duy trong nghiên cứu khoa học, gắn liền với thực tiễn sản xuất và “Khoa học phải chạm đến cuộc sống”; (2) Tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, ngư dân để lắng nghe, tiếp thị, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; (3) Xây dựng chiến lược phát triển KHCN dài hạn và kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai đạt hiệu quả cao; (4) Nâng cấp Bảo tàng Sinh vật biển của Viện, trở thành điểm đến tham quan, học tập và nghiên cứu; (5) Tận dụng mọi nguồn lực để nâng cao năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác nghiên cứu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chủ chốt của Viện nghiên cứu Hải sản
Vũ Thị Thu Hằng