Ảnh minh họa
Nhiều tín hiệu khả quan tại một số thị trường
Theo Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến giữa tháng 3/2020, tổng giá trị XK cá tra đạt 267,8 triệu USD, chưa có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid- 19 vẫn đang ảnh hưởng tới hoạt động XK tại một số khu vực thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, trong những khó khăn này, XK cá tra đang thấy có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn như EU, Mỹ và Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường Mỹ tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan cho các DN XK cá tra đi Mỹ trong bối cảnh cả năm 2019, giá trị XK cá tra sang thị trường này sụt giảm. Tính đến giữa tháng 3/2020, Mỹ là thị trường XK cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 18,8% tổng giá trị XK cá tra.
Theo VASEP, không chỉ riêng sản phẩm cá tra Việt Nam bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, sản phẩm cá thịt trắng của Nga cũng đang bị giảm giá do các nhà máy chế biến của Trung Quốc đóng cửa suốt 2 tháng đầu năm và mới mở cửa trở lại. Trước khi đi vào làm việc, toàn bộ công nhân của các nhà máy tại Trung Quốc bị cách ly 14 ngày, tình trạng khan hiếm công nhân cũng khiến cho nhà máy chưa thực sự ổn định sản xuất. Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020, các nhà máy chế biến cá thịt trắng, cá rô phi của Trung Quốc cũng đã đi vào ổn định.
Theo một số DN XK cá tra Việt Nam, kể từ tháng 2/2020, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại và hoạt động XK đang dần trở lại bình thường. Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang thị trường này đã gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2/2020 trước đó. Nếu tốc độ XK tăng như dự đoán, một số DN XK các tra tự tin nhận định rằng, giá trị XK cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40 - 50%.
Tại một số thị trường XK lớn khác như: EU, ASEAN, Brazil, Mexico, Colombia, Australia vẫn giảm. Tính đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị XK cá tra sang ASEAN giảm 25,2%; EU giảm 47,3%; Brazil giảm 14,3%, Mexico giảm 57,5% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh Covid- 19 đang ảnh hưởng lớn tới thị trường EU khi hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao nhận không thể thực hiện được do chính sách phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại các siêu thị EU có chiều hướng gia tăng.
Biến động thị trường cá tra trong nước
Tại thị trường trong nước, sau khi có dấu hiệu khôi phục vào tuần đầu tháng 3/2020 thì đến giữa tháng 3/2020 thị trường cá tra nguyên liệu trong nước đã có dấu hiệu chững lại do những diễn biến tác động từ dịch Covid- 19. Giá bán buôn cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 3/2020 dao động trong khoảng 18.000 - 18.500 đ/kg đối với cá tra loại I (700 - 900g/con), đây là mức giá thấp nhất trong 10 năm qua.
Tại Đồng Tháp, cá tra từ 700-800 g/con chỉ còn 18.000 - 19.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg nên hầu hết người nuôi lỗ, chỉ khoảng 1/4 tổng số hộ nuôi trên địa bàn là có lợi nhuận khá nhờ gia công cho doanh nghiệp hoặc có liên kết với doanh nghiệp. Nguyên nhân do Trung Quốc - thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam sụt giảm bởi dịch bệnh Covid-19, đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, khiến giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm sâu, người nuôi chịu thua lỗ. Hiện nay, cá tra nguyên liệu quá ngày thu hoạch tồn đọng nhiều, rất khó bán; cộng với hạn mặn ở ĐBSCL vào giai đoạn đỉnh điểm khiến nhiều ao cá tra bị bệnh.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, mỗi năm toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.226ha cá tra, sản lượng khoảng 430.000 tấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các huyện nuôi gần 930ha cá tra, thế nhưng giá cá quá thấp gây bất lợi cho bà con.
Mặn năm nay về sớm, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều con sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4‰ - 25‰ khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh, do các ao nuôi cá tra cần phải thay nước ngọt mỗi ngày để tránh ô nhiễm; trong khi ngoài sông toàn là nước mặn. Vì vậy, khi bơm vào là cá bị ảnh hưởng…
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ; nguyên nhân là diện tích nuôi ở ĐBSCL tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới và nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỷ USD của năm 2020 sẽ khó đạt.
Tìm kiếm giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu cá tra
Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang), cho rằng: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị giảm sản lượng 30%- 40%; từ đó khiến việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản, chôn dòng vốn hoạt động, kinh doanh không hiệu quả… Khó khăn tứ phía đang vây các doanh nghiệp cá tra. Cùng với giải pháp thị trường thì ngành chức năng cần triển khai ngay việc xem xét giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đơn giản các thủ tục hành chính, không áp dụng kiểm tra hoạt động thời điểm này; nhất là kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội… Các ngân hàng nghiên cứu giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp xuất khẩu…
Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt thách thức, nhưng nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL vẫn duy trì hoạt động nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân lao động; đồng thời khẳng định kinh nghiệm, bản lĩnh vượt khó của ngành cá tra Việt Nam. Vấn đề là cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các hiệp hội, các ngành chức năng và sự trợ lực về cơ chế, chính sách, vốn… kịp thời giúp ngành cá tra sớm ổn định sản xuất và xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, một điểm cần lưu ý là kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ tháng 1-2020 đạt hơn 18,1 triệu USD, dù giảm 55% so cùng kỳ, nhưng lại chiếm tỷ lệ 17,8% về tổng giá trị, cao nhất so với các thị trường khác. Song, không thể trông chờ quá nhiều vào Mỹ, mà chúng ta cần cấp bách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nỗ lực duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới trong điều kiện cho phép, kể cả gia tăng ở thị trường nội địa.
Theo VASEP, sản lượng cá tra nuôi tăng nhanh, dư nguồn cung là nguyên nhân chính dẫn đến giá xuất khẩu giảm mạnh tại tất cả thị trường. Tuy nhiên, thách thức lớn hơn với ngành cá tra khi năm 2020 mở đầu bằng đợt dịch bệnh COVID-19 khiến xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm một nửa so với cùng kì và sẽ giảm mạnh cho đến khi dịch bệnh được khống chế. Chỉ riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm đến trên 33% thị phần của ngành cá tra sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sự sụt giảm quá nhanh khiến xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường này gặp rất nhiều khó khăn. Song, cũng là động lực thúc đẩy mở rộng, tìm kiếm thị trường mới.
Một trong những thị trường tiềm năng là Ấn Độ với dân số thứ 2 thế giới. Mặc dù, nước này cũng nuôi được khoảng 600.000 tấn cá tra mỗi năm nhưng thịt cá bị vàng và nhà máy chế biến tại đây chưa sản xuất ra được những sản phẩm cá tra file thịt trắng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam. Hiện, sản phẩm cá tra file Việt Nam được xem sản phẩm cao cấp đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng ở Ấn Độ.
Ngoài ra với thị trường EU, Hiệp định EVFTA đã chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Để tận dụng lợi thế, các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng trước khi mức thuế của cá tra sẽ về 0% trong 3 năm tới. Trước mắt, việc các nhà máy chế biến cá thịt trắng tại Trung Quốc chưa làm việc dẫn tới thiếu hụt nguồn cung cá thịt trắng đặc biệt là tại thị trường EU cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra của Việt Nam.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam nhận xét, với hiệp định EVFTA sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành hàng cá tra Việt Nam thâm nhập thị trường lớn này. Bên cạnh ưu đãi về thuế nhập khẩu bằng 0% thì còn tránh được việc một số nước trong cộng đồng EU “bôi bẩn” sản phẩm cá tra của Việt Nam, hay cạnh tranh không lành mạnh bằng cách dựng lên các hàng rào kĩ thuật phi thuế quan.
Còn đối với thị trường Mỹ, cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã chính thức công nhận hệ thống quản lí và giám sát cá tra của Việt Nam tương đương với Mỹ. Đây là tin vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang thị trường này và quan trọng hơn nữa khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm chuỗi sản xuất, chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã đáp ứng một trong những yêu cầu khắt khe nhất, giúp cá tra Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ Mỹ mà còn các thị trường khác.
Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Đông đang có chiều hướng gia tăng, việc các nước áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng có những kì vọng tích cực trong thời gian tới. Cụ thể, dịch COVID-19 cơ bản đã được khống chế tại Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu không còn bị hạn chế sẽ là cơ hội cho Việt Nam trong việc xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này trong thời gian tới.
Ngoài ra, các ưu đãi của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được kì vọng sẽ có những tác động thúc đẩy sản xuất trong nước. Đặc biệt, mức thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm, kết quả công nhận tương đương về hệ thống quản lí, kiểm soát an toàn thực phẩm trên cá tra do Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố là cơ sở thuận lợi giúp cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh.
Triển vọng xuất khẩu cá tra trong thời gian tới
Giám đốc Công ty TNHH Hải sản Biển Đông (Công ty Biển Đông) Ngô Quang Trường nhận định, trên thị trường tồn kho cũ bị cạn và đang có xu hướng tăng tích trữ do dịch COVID-19. Ông Trường cho biết, thị trường thủy sản ở Mỹ đã gặp khó từ 3 tháng trước, khi Mỹ đánh thuế cao với hàng của Trung Quốc và nhiều nhà xuất khẩu chuyển từ thị trường Trung Quốc sang Mỹ khiến cho lượng cung thừa so với cầu. Dịch COVID-19 bùng phát từ Trung Quốc, nguồn cung ở thị trường Mỹ càng thừa, các đơn hàng của Công ty Biển Đông giảm đến 20% so với cuối năm 2019. Nay thị trường Mỹ đã trở lại bình thường, Công ty đạt 100% sản lượng như trước kia, một tháng có đơn hàng cho 200 container loại 20 tấn xuất khẩu. Dự đoán, thời gian tới, nhu cầu thủy sản trên thị trường sẽ tăng cao. Bởi vì, cùng với việc thị trường Trung Quốc mở cửa chính ngạch hoạt động bình thường trở lại thì thế giới cũng tăng nhu cầu tiêu dùng, vừa bù sự thiếu hụt từ Trung Quốc vừa do tâm lý dự phòng lo sợ dịch COVID-19 lan tràn.
Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn Nguyễn Ngô Vi Tâm phân tích, cá tra fillet đông lạnh là mặt hàng thực phẩm thiết yếu ở nhiều thị trường nên có nhu cầu lớn cả trong và sau dịch COVID-19. Vừa qua, đơn hàng từ Trung Quốc giảm nhưng khả năng sẽ tăng đáng kể trong quý II và III/2020. Bà cho biết thêm, nhiều khách hàng của Vĩnh Hoàn ở châu Âu cũng nhận định, đơn hàng cá tra có thể tăng đột biến do các đơn hàng cá thịt trắng được gia công ở Trung Quốc như cá cod, cá pollock, haddock đang bị ách tắc.
Bà Tâm cho biết, hiện tại công ty không chỉ duy trì sản xuất bình thường mà còn chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho quý II và III để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tránh việc giá cá tăng mạnh khi có đột biến về đơn hàng, gây bất ổn cho ngành hàng. Đặc biệt trong 2 quý cuối năm là giai đoạn dễ thiếu nguyên liệu chế biến cá tra.
Theo đánh giá của VASEP, trước mắt, có thể tại một số thị trường XK, giá trị XK cá tra vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoạn, nhưng những động thái khởi sắc từ một số thị trường lớn giúp cho các DN có thể nhận ra những tích cực trong thời gian tới đây. Hiện nay, để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong việc cách ly xã hội, VASEP khuyến nghị các DN cá tra cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích công nhân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình và bảo vệ sức khỏe chung của nhà máy.
Những tín hiệu lạc quan đang trở lại ở một số thị trường hi vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, XK trở lại trong thời gian tới. VASEP cho hay, hiện giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang xoay quanh mức 18.000 – 18.800 đồng/kg. Đây là mức giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đã bắt đầu ổn định dần trong 2 tháng trở lại đây. Do tình hình xâm ngập mặn, một số thị trường XK đang tạm lắng khiến cả nhà máy và người nuôi giảm tốc độ thả ao. Sản lượng thu hoạch dự kiến trong 2 tháng sắp tới giảm. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện để giá cá tra nguyên liệu có thể tăng trong thời gian tới.
Dù vậy, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, các DN XK cẩn phải theo dõi diễn biến của dịch Covid– 19, xem xét kỹ lưỡng trong việc ký kết hợp đồng XK, hạn chế tối đa tình trạng hoãn hoặc dừng các đơn hàng. Bên cạnh đó, DN chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh để chủ động nguồn nguyên liệu khi thị trường hồi phục (dự báo tháng 6, tháng 7 tới).
Thu Hiền (Tổng hợp)