Ảnh minh họa
“Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á” được thực hiện tại 03 quốc gia: Indonesia, Philippine và Việt Nam. Tại Việt Nam, Dự án được giao cho Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản) triển khai thực hiện. Tổng cộng có tất cả 06 hợp phần: (1) Hoàn thiện thể chế và chính sách, (2) Thực hiện chương trình thu mẫu cá ngừ tại cảng, (3) Thực hiện chương trình giám sát hoạt động khai thác trên tàu, (4) Tăng cường năng lực thu thập, phân tích dữ liệu phục vụ quản lý nghề cá ngừ, (5) Xây dựng Cơ sở dữ liệu cá ngừ quốc gia, (6) Quản lý dự án. Dự án “Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á” (West Pacific East Asia – Improved Tuna Monitoring) do Chính phủ New Zealand viện trợ thông qua Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPFC).
Những kết quả đã đạt được trong năm 2019
Năm 2019, Việt Nam đã cử 02 cán bộ tham gia Hội thảo về Dữ liệu cá ngừ khu vực WPO tại New Caledonia. Tại đó, Việt Nam đã báo cáo về cơ chế, tình hình và phương pháp thu thập dữ liệu nghề cá ngừ; đồng thời đề xuất với Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương (SPC) hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thu thập số liệu và tư vấn quản lý nghề cá ngừ theo tiếp cận quản lý dựa trên hạn ngạch. Cử 02 cán bộ tham gia khoá tập huấn về Đánh giá trữ lượng nguồn lợi cá ngừ (do Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương tổ chức tại New Caledonia). Tại Hội thảo, các học viên đã được học và thảo thuận về các đặc trưng đàn cá và phương pháp luận cơ bản đánh giá nguồn lợi cá ngừ.
Đối với các Cuộc họp thường niên của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương, Việt Nam đã hỗ trợ 01 cán bộ tham gia cuộc họp Ban Khoa học lần thứ 15 (SC15) và cuộc họp Ban Kỹ thuật và tuân thủ lần thứ 15 (TCC15) tại Micronesia. Tại cuộc họp SC15, Việt Nam đã báo cáo hoạt động thu thập và giao nộp dữ liệu cá ngừ năm 2018; thảo luận các kết quả đánh giá nguồn lợi và tư vấn khoa học phục vụ quản lý nghề cá ngừ. Việt Nam khẳng định đã giao nộp và báo cáo đầy đủ thông tin, dữ liệu cho Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (theo qui định của thành viên CNM). Tại cuộc họp TCC15, Việt Nam đã tham dự các phiên họp rà soát sự tuân thủ các qui định của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương về quản lý nghề cá ngừ. Việt Nam đã báo cáo đầy đủ việc tuân thủ và thực hiện các quy định của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương; trình bày nguyện vọng, cung cấp thông tin và trả lời các câu hỏi của các thành viên liên quan đến trách nhiệm tuân thủ các quy định và tình hình quản lý nghề cá ngừ của Việt Nam.
Tháng 3/2019, các cơ quan liên quan của Việt Nam (gồm: Vụ Khai thác thủy sản, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Pháp chế Thanh tra, Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới tại Việt Nam, Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam, Chi cục Thuỷ sản các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà) đã cùng chuyên gia của Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương, Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương thảo luận các nội dung về chính sách, quy định pháp luật, nghề, số lượng chuyến, đào tạo cán bộ… Sau đó, đã thống nhất đề xuất Việt Nam thực hiện chương trình observer trên 03 nghề (câu, vây, rê) khai thác cá ngừ, mỗi năm tối thiểu 32 chuyến ở các tỉnh thực hiện dự án. Đồng thời đề xuất Việt Nam xây dựng cơ chế pháp lý, chính sách để thực hiện chương trình observer (theo qui định của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương). Dự án WPEA-ITM sẽ hỗ trợ tào đạo observers và xây dựng chính sách thực hiện observer phù hợp điều kiện Việt Nam.
Tháng 6/2019, các cơ quan liên quan của Việt Nam (Vụ Khai thác thủy sản, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Viên Nghiên cứu Hải sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Chi cục Thuỷ sản của 09 tỉnh thực hiện dự án) đã cùng chuyên gia của Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương đánh giá hoạt động thu mẫu nghề cá ngừ, thống kê cơ cấu tàu thuyền, và ước tính sản lượng cá ngừ tại các tỉnh, hoạt động đánh giá nguồn lợi và nghề cá ngừ Việt Nam, dữ liệu xuất nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam… Sau khi thảo luận, đã thống nhất các dữ liệu về sản lượng, cơ cấu tàu thuyền, kinh tế-xã hội nghề cá ngừ Việt Nam năm 2018 (theo yêu cầu báo cáo thường niên của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương).
Tháng 10/2019, Việt Nam đã tổ chức lớp và mời chuyên gia của Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương, Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương tập huấn nghiệp vụ observer cho 13 cán bộ (thuộc Vụ Khai thác thủy sản, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Viên Nghiên cứu Hải sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam, Đại học Nha Trang). Các cán bộ đã được tập huấn và thực hành các nội dung liên quan đến nghiệp vụ observer trên tàu lưới vây, lưới rê khai thác cá ngừ, gồm: Quy định về observer của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương; Phân loại cá ngừ và các đối tượng khai thác khác; Biểu mẫu và cách điền thông tin; Quy tắc ứng xử của observer khi làm việc trên tàu... Kết quả 12/13 cán bộ đạt yêu cầu và được cấp Giấy chứng nhận tham gia lớp tập huấn về observer nghề lưới vây và lưới rê. Các cán bộ đã nắm được các kỹ năng, nghiệp vụ, yêu cầu cần thiết để thực hiện chuyến đi observer trên tàu lưới vây và lưới rê.
Tháng 11/2019, đã tổ chức hội thảo tập huấn sử dụng phần mềm Cơ sở dữ liệu cá ngừ TUFMAN2 cho các cán bộ khoa học và quản lý (gồm: Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Vụ Khai thác thủy sản, Viên Nghiên cứu Hải sản, Đại học Nha Trang, Hiệp hội Cá Ngừ Việt Nam) và cán bộ thu thập dữ liệu tại địa phương (Chi cục Thuỷ sản, Cảng cá của 04 tỉnh trọng điểm: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà và Bà Rịa-Vũng Tàu). Đã rà soát, hiệu chỉnh TUFMAN2 phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu của Việt Nam. Phân hệ phần mềm TUFMAN2 dành riêng cho Việt Nam đã được hoàn thiện trên cơ sở TUFMAN1 để nhập và lưu trữ dữ liệu từ nghề cá ngừ thương phẩm (observer, mẫu sinh học, mẫu sản lượng, nhật ký) và phần mềm kết xuất các báo cáo theo yêu cầu của người dùng. Đã cử 06 cán bộ observer được đào tạo thực hiện observer trên 06 tàu lưới rê ở Phú Yên, Bà Rịa-Vũng Tàu. 02 chuyến lưới vây còn lại không kịp thực hiện do hết mùa khai thác sẽ chuyển sang kế hoạch 2020.
Kế hoạch trong năm 2020
Theo Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), kế hoạch hoạt động của Việt Nam năm 2020 (từ nguồn vốn ODA) sẽ phù hợp với các mục tiêu, định hướng nội dung của Văn kiện dự án và tương đồng với các nước tham gia. Việt Nam sẽ tham gia các hội thảo, tập huấn chuyên môn do Ban Thư ký Cộng đồng Thái Bình Dương, Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương tổ chức; Tham gia các cuộc họp thường niên của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương năm 2020; Xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện observer cho nghề cá Việt Nam; Hội thảo đánh giá sản lượng cá ngừ Việt Nam năm 2019; Tập huấn thu thập số liệu cho cán bộ địa phương; Tập huấn sử dụng phần mềm TUFMAN2 cho các cán bộ thu thập số liệu tại địa phương; Tập huấn observer nghề câu cá ngừ đại dương cho 10-12 cán bộ; Hội thảo tập huấn phương pháp đánh giá và tư vấn quản lý nghề cá ngừ cho Việt Nam (có thể chung cho 03 nước)... Riêng đối với nguồn đối ứng, Việt Nam sẽ thực hiện việc thu thập số liệu nghề cá ngừ tại các tỉnh; và Thực hiện các chuyến observer trên tàu câu, vây, rê cá ngừ.
Nhìn chung, việc triển khai các hoạt động của Dự án tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn, nhưng năm 2019 vừa qua Dự án “Quản lý nghề cá ngừ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Đông Á” đã đạt được đúng mục tiêu đề ra, được các chuyên gia, Ban quản lý dự án khu vực và cơ quan chức năng của Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương đánh giá cao. Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt các nội dung năm 2020.
Ngọc Thúy – FICen