Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản. Ảnh: Quang Dũng.

Khi thị trường EU hồi phục sau dịch bệnh Covid-19, chúng ta sẽ có lợi thế rất lớn, đặc biệt là đối với sản phẩm tôm, bởi chúng ta hiện đã ký với EU hiệp định EVFTA.

Theo đó, tôm Việt Nam sẽ được ưu đãi về thuế suất mà các đối thủ khác như Ấn Độ, Thái Lan hay nhiều nước khác không cạnh tranh được.

Một số thị trường xuất khẩu thủy sản khác như Trung Quốc hiện đã căn bản kiểm soát dịch. Thời gian qua, cá tra chế biến hàng tháng vẫn đều đặn xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc với trên 500 container.

Dự báo nhu cầu cá tra cũng như nhiều sản phẩm thủy sản khác xuất khẩu sang Trung Quốc các tháng tới sẽ ổn định trở lại.

Tổng cục Thủy sản đã có đề nghị các địa phương có vùng nuôi cung cấp nguyên liệu chính tại ĐBSCL cũng như hoạt động đánh bắt chủ động có giải pháp tranh thủ thời cơ thị trường khi dịch Covid-19 được khống chế.

Một số địa phương có các đối tượng nuôi biển gặp khó khăn thời gian qua như tôm hùm, cá song, ốc hương, hoặc sản phẩm đánh bắt đặc thù như cá ngừ vây vàng, cá ngừ mắt to cần tiếp tục duy trì sản xuất (nhưng giảm mật độ), duy trì chất lượng để tranh thủ thời cơ thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.

Các tỉnh ĐBSCL đã có mưa, tình hình hạn mặn đã giảm, đang rất thuận lợi để xuống giống thủy sản, nhất là tôm. Cần duy trì chế độ quan trắc môi trường để theo dõi các biến động cực đoan của thời tiết thời gian tới.

Bên cạnh đó, cần tăng cường duy trì các chuỗi liên kết sản xuất, rà soát lại mùa vụ và kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo kế hoạch năm 2020.

Tổng cục Thủy sản sẽ chủ động liên tục nắm bắt thị trường, cung cầu để có khuyến cáo, phục hồi sản xuất thời gian tới.

Công Hoàng

(Báo Nông nghiệp Việt Nam)