Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định).
Ảnh: Vũ Đình Thung.
Vào cuộc quyết liệt
Theo Tổng cục Thủy sản, nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, trong thời gian qua, Chính phủ đã bám sát, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương ven biển thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm đáp ứng những khuyến nghị của EC.
Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU đã được thành lập và tổ chức họp lần thứ nhất vào ngày 12/9/2019. Cuộc họp này có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trọng điểm, gồm: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Tại cuộc họp này, Chính phủ đã đề ra các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Sau đó 1 tháng, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU lại họp lần thứ 2 để đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp đã đề ra trong cuộc họp thứ nhất; đánh giá rút kinh nghiệm, chỉ rõ những yếu kém, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
Đồng thời thảo luận, thống nhất giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, xác định đây là điều kiện tiên quyết để gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, trong đó giao Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cùng thực hiện.
Cuối năm 2019, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống khai thác IUU họp lần thứ ba. Cuộc họp này tập trung đánh giá kết quả của Đoàn thanh tra EC sang Việt Nam lần thứ 2 (từ ngày 4 đến 15/11/2019) để kiểm tra tình hình chống khai thác IUU, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện cụ thể từng phần việc trước khi Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra lần 3 dự kiến vào cuối tháng 5 đầu tháng 6/2020 tới đây.
“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là những chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, nên trong thời gian qua, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đều dồn nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đến nay đã cho kết quả tích cực.
Đặc biệt là các địa phương đã chủ động, tập trung nguồn lực, có nhiều biện pháp cụ thể trong công tác quản lý, kiểm soát lực lượng tàu cá trên địa bàn”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá.
Tàu cá hành nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định đánh bắt trên biển Đông. Ảnh: Vũ Đình Thung.
Từng bước đáp ứng khuyến nghị của EC
Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay, các địa phương đã bám sát các quy định và dần hoàn tất lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên; thu các thiết bị cũ thuộc dự án Movimar; nâng cấp trạm bờ và thiết bị VX - 1700 lắp đặt trên tàu cá nhằm đảm bảo việc báo cáo tự động từ tàu về bờ đối với tàu có chiều dài từ 15 - 24m. Hiện cả nước đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 18.592 tàu cá, chiếm 69,2%.
Trong đó, tàu có chiều dài thân tàu từ 24m trở lên là 2.372 chiếc, chiếm 91,9%; tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m là 16.220 chiếc, chiếm 67,12%.
"Các địa phương đã có nhiều đổi mới về hình thức, nội dung tuyên truyền, tập huấn cho ngư dân về ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác IUU mang lại hiệu quả. Từ đầu năm 2018 đến nay không còn trường hợp tàu cá vi phạm các vùng biển thuộc các Quốc đảo Tây Thái Bình Dương”, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho hay.
Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, công tác quản lý tàu cá và cấp phép khai thác thủy sản cũng đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc.
Đến nay, cả nước đã cấp phép cho tàu khai thác vùng khơi là 25.851/31.413 chiếc, đạt 82,2%. Các địa phương làm tốt công tác này là Nghệ An 100%, Bình Định 95,4%.
Các địa phương đều thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá.
Thường xuyên rà soát, tăng cường kiểm tra những tàu quá hạn đăng kiểm để thông báo cho chủ tàu thực hiện kiểm tra, gia hạn; thực hiện tốt các quy định về cấp văn bản chấp thuận đóng mới, đăng ký mới và xóa đăng ký đối với những tàu chuyển đổi.
Thông qua công tác đăng ký, đăng kiểm, nhiều địa phương đã thực hiện các quy định khác về tăng cường quản lý tàu cá.
Tăng cường công tác quản lý cảng cá, dịch vụ hậu cần nghề cá
Trên toàn quốc hiện có 82 cảng cá đang hoạt động, trong đó có 25 cảng cá loại 1 và 57 cảng cá loại 2. Tổng số lượng hàng hóa thông qua cảng khoảng 1,8 triệu tấn/năm, 9.298 lượt tàu tàu/ngày; có 9 cảng đáp ứng được cho tàu cá công suất lớn nhất là 1.000CV và 2 cảng đáp ứng cho tàu cá công suất lớn nhất là 2.000CV cập cảng.
Ngư dân nhập sản phẩm về Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.
Các địa phương đã kiện toàn bộ máy, bổ sung và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cảng cá, tổ chức tập huấn về các quy định mới của Luật Thủy sản 2017.
Ban quản lý các cảng cá luôn là thành phần tích cực tham gia cùng các cơ quan liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng; thu nhật ký khai thác, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, thực hiện các chế độ báo cáo theo quy định.
“Việc ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, thông tin tàu cập cảng và công tác kiểm soát sản lượng sản phẩm nhập cảng có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thủy sản”, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đánh giá.
Bên cạnh những mặt tích cực, trong nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” EC của Việt Nam vẫn còn một tồn tại nhức nhối, đó là một số tàu cá vẫn còn đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, trong khi đây là yếu tố tiên quyết để EC quyết định gỡ “thẻ vàng” hay rút “thẻ đỏ” đối với thủy sản Việt Nam.
Tàu đánh bắt cá ngừ đại dương vào Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.
Thứ đến, việc thực hiện xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác tại cảng cá còn gặp khó khăn do chưa hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu về tàu cá, dữ liệu về giám sát tàu cá và thông tin kết nối giữa các cảng với các Chi cục Thủy sản và Tổng cục Thủy sản; cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.
Hệ thống, tổ chức hoạt động kiểm tra, kiểm soát nghề cá còn yếu, không đồng bộ; cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý còn quá thiếu, cơ chế vận hành chưa rõ ràng. Kinh phí cho việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
“Bộ đã giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành thủy sản, chính sách thu hút nguồn lao động, đặc biệt lĩnh vực khai thác thủy sản; thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất tại một số tỉnh có lượng tàu cá tăng đột biến so với quyết định giao hạn ngạch của Bộ.
Đồng thời chỉ đạo các Sở NN-PTNT tham mưu cho UBND tỉnh tuyên truyền hướng dẫn Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật; ban hành theo thẩm quyền các quy định của địa phương được Luật Thủy sản giao; kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc về Bộ NN-PTNT để kịp thời sửa đổi, bổ sung”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến.
Đình Thung - Lê Khánh
(Báo Nông nghiệp Việt Nam)