Ảnh minh họa
Ước tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam sang các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 53,6%) đạt 14,02 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang các khu vực châu Âu và châu Đại Dương trong 8 tháng đầu năm 2020 ước đạt lần lượt là 3,41 tỷ USD (giảm 3,3% so với cùng kỳ năm 2019); 406 triệu USD (-4,9%). Ngược lại, giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang châu Mỹ và châu Phi ước đạt lần lượt 6,9 tỷ USD, và 566 triệu USD, tăng 10,6% và 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm lần lượt là 24,13% (giá trị tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019), 24,01% (-10,1%), 8,43% (-1,8%) và 5,86% (-1%).
Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2020 ước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 7 tháng đầu năm 2020, thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh nhất là Anh (+17,8%).
Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 8 năm 2020 đạt 2,72 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2020 đạt 19,95 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 16,05 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, ước giá trị nhập khẩu của các mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu, dầu mỡ động thực vật, lúa mì, ngô, đậu tương, và chăn nuôi tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản còn lại đều được ước tính sẽ sụt giảm so với cùng kỳ năm trước.
Ước tổng giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 8 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam từ các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm thị phần 32,1%) đạt khoảng 6,41 tỷ USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020 từ khu vực châu Mỹ ước giảm 1%, đạt 5,82 tỷ USD, khu vực châu Phi ước giảm 27,9%, đạt 738 triệu USD và khu vực châu Đại Dương ước giảm 2,4%, đạt 663 triệu USD. Trong khi đó, ước tính xuất khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam sang khu vực châu Âu 8 tháng đầu năm 2020 lại tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1,14 tỷ USD.
Thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc và khối ASEAN là ba thị trường/khối thị trường cung cấp các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất cho Việt Nam, với thị phần trong tổng giá trị nhập khẩu ước chiếm lần lượt là 12%, 11,6% và 11,2%. Tuy nhiên, nhập khẩu của Việt Nam từ cả 3 thị trường này trong 8 tháng đầu năm 2020 đều được ước tính sẽ sụt giảm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu từ Hoa Kỳ ước giảm 5,4%, Trung Quốc giảm 12% và ASEAN giảm 16,2%.
Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 8/2020 đạt 148 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2020 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Nguồn nhập khẩu thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2020 chủ yếu là từ Ấn Độ (chiếm tỷ trọng 13,8%), Nauy (11,8%), Nhật Bản (10,2%). So với cùng kỳ năm 2019, giá trị nhập khẩu thủy sản của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020 từ Ấn Độ tăng 11,5%, Nhật Bản tăng 31,7%, trong khi nhập khẩu từ Nauy giảm 8,3%.
Bộ NN&PTNT nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, xuất nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản sẽ có những tác động lớn. Chính vì vậy, nhiệm vụ đặt ra trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2020 là thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, đặc biệt là tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc. Từ đó, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản.
Những tháng cuối năm, Bộ NN&PTNT xác định tiếp tục theo dõi, báo cáo thường xuyên biến động giá cả, tình hình cung cầu một số mặt hàng nông sản thiết yếu (tập trung vào mặt hàng thịt lợn, lúa gạo, rau quả); theo dõi diễn biến biến tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm, đối chiếu với các kịch bản về nguồn cung thực phẩm để kịp thời tham mưu cho Chính phủ. Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó; theo dõi sát tình hình xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.
Với các ngành hàng cụ thể, đại diện Bộ NN&PTNT nêu rõ, toàn ngành sẽ triển khai đồng bộ, quyết liệt các khuyến nghị mà Liên minh châu Âu đưa ra đối với Việt Nam để gỡ “thẻ vàng” và hướng tới phát triển thủy sản biển bền vững.
NN