Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, TS. Nguyễn Hữu Hoàng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học Biển đã ôn lại chặng đường 10 năm kể từ khi thành lập phòng. Trải qua không ít những khó khăn thách thức, đến nay, phòng đã thực hiện 05 đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh và thành phố; 05 đề tài dự án cấp Nhà nước; đã nghiên cứu thành công: (1) Quy trình công nghệ sản xuất vi tảo biển Nannochloropsis oculata; (2) QTCN sản xuất thực phẩm chức năng từ vi tảo biển; (3) QTCN sản xuất vi tảo biển phục vụ sản xuất giống thủy sản; (4) QTCN nhân giống rong sụn bằng nuôi cấy mô. Ngoài ra, phòng cũng đã có các nghiên cứu ứng dụng công nghệ FISH để phân loại nhanh tảo độc, nghiên cứu về thủy triều đỏ, xác định nguyên nhân gây chết ngao nuôi ở Thái Bình; và có nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí trong và ngoài nước có uy tín.
Định hướng phát triển tầm nhìn 2030, phòng mong muốn đẩy mạnh và tăng cường năng lực nghiên cứu cơ bản và các công nghệ tiên tiến, cải thiện đáng kể năng lực và đổi mới về khoa học công nghệ của đơn vị, tạo ra những kết quả nghiên cứu khoa học có đóng góp thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội, phát triển và hội nhập trên phạm vi quốc tế; Xây dựng và phát triển phòng Nghiên cứu CNSH Biển trở thành Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN trong lĩnh vực CNSH biển lớn mạnh, có uy tín, có năng lực tự chịu trách nhiệm, và tự chủ một phần về tài chính (60%). Trong đó, phòng sẽ đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ để sản xuất, thương mại dịch vụ các sản phẩm CNSH biển (Sản xuất vi tảo biển, các sản phẩm từ tảo biển, rong biển ...)
Các thành viên Phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học Biển chụp ảnh kỷ niệm cùng Phó Viện trưởng phụ trách Phòng
Tại buổi Tọa đàm, các vị đại biểu, khách mời đã thảo luận, chia sẻ ý kiến và góp ý cho định hướng phát triển của Phòng Nghiên cứu CNSH biển. Tiềm năng phát triển là rất lớn, tuy nhiên Phòng Nghiên cứu CNSH Biển cần tập trung chú ý phát triển nguồn nhân lực, tận dụng tiềm lực cơ sở vật chất trang thiết bị, bám sát chương trình CNSH của Bộ, và tăng cường hợp tác với Doanh nghiệp; chia giai đoạn để định hướng chiến lược; lựa chọn và phát triển các sản phẩm mang thương hiệu đặc thù riêng...
Kết thúc buổi Tọa đàm, Phó Viện trưởng TS. Nguyễn Văn Nguyên đã đánh giá cao định hướng phát triển của tập thể và đặt kỳ vọng vào nguồn nhân lực trẻ được đào tạo bài bản của phòng; lãnh đạo phòng cần tiếp thu ý kiến của các đại biểu để có bước phát triển mới, chủ động, sáng tạo hòa chung nhịp phát triển của toàn Viện.
Vũ Thị Thu Hằng