Tuy nhiên, Việt Nam là nước có đường bờ biển khoảng 3.260 km trải dài trên 13 vĩ độ với diện tích vùng biển khơi rộng lớn, có thể hình thành nhiều vùng đặc thù sinh thái khác nhau. Vì vậy, việc khoanh vùng địa lý có thể không thực sự đạt hiệu quả cao trong công tác bảo vệ vùng đặc thù sinh thái, vùng sinh thái quan trọng cho vòng đời loài di cư, loài đặc hữu. Hiện nay, thiết lập các vùng biển đặc thù sinh học hoặc sinh thái (EBSA: Ecologically or Biologically Significant Marine Area) đang được sử dụng nhiều trên thế giới để tiếp cận và bảo vệ các vùng sinh thái đặc thù, quan trọng. Các vùng EBSA này đặc biệt có giá trị khoa học cho các quốc gia trong việc quy hoạch không gian biển hoặc trao đổi hợp tác quản lý bảo tồn các khu vực nằm ngoài vùng tài phán. Ngoài ra, các vùng EBSA cũng là công cụ bảo tồn có giá trị pháp lý quốc tế cao được Công ước đa dạng sinh học và các quốc gia trên thế giới đồng thuận.
Lịch sử hình thành vùng EBSA
Năm 2004, các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD: Convention on Biological Diversity) đã bắt đầu xây dựng kế hoạch thành lập các khu bảo tồn biển liên vùng biển theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc. Từ đó, hình thành khái niệm vùng đặc thù sinh học hoặc sinh thái (EBSA: Ecologically or Biologically Significant marine Area) là cơ sở khoa học cho việc quy hoạch không gian biển và các hoạt động liên quan bảo tồn nằm trong và ngoài vùng tài phán quốc gia (Dunn et al., 2014).
Hình 1. Các vùng đặc thù sinh học, sinh thái (EBSA) đã được công nhận và mô tả năm 2015. Hình ảnh trích từ Nicholas J. Bax (2015).
Từ năm 2011 đến 2014, Ủy ban liên minh CBD đã tổ chức 9 hội nghị vùng có sự tham gia của các chuyên gia thuộc 92 quốc gia và 79 vùng lãnh thổ. Kết quả của các hội nghị đã nhận định bước đầu có 204 khu vực biển quốc tế và thuộc các quốc gia đáp ứng được các tiêu chí của vùng EBSA, chiếm khoảng 1/3 diện tích các đại dương (Hình 1). Các vùng EBSA này có thể được dùng để hỗ trợ cơ sở khoa học cho các quốc gia quy hoạch không gian biển hoặc trao đổi hợp tác quản lý bảo tồn các khu vực nằm ngoài vùng tài phán (Nicholas J. Bax, 2015). Các vùng EBSA sẽ tiếp tục được các quốc gia, tổ chức liên danh cập nhật, bổ sung dựa trên các số liệu khoa học mới nhất.
Quá trình xét duyệt các VÙng EBSA
Việc xác định các vùng EBSA là bước quan trọng cho việc tiếp cận quy hoạch vùng bảo tồn dựa vào sinh thái và các giải pháp quản lý phù hợp của từng quốc gia và liên vùng biển giữa các quốc gia. Từ năm 2010, quy trình đăng kí xác nhận vùng EBSA yêu cầu chuẩn bị một số bước sau (COP 10 - Conference of the Parties 10):
- Các quốc gia hoặc các tổ chức liên minh quốc gia xác định các vùng EBSA tiềm năng đạt các tiêu chí và phù hợp với luật pháp quốc tế và luật biển của Liên hợp quốc.
- Chuẩn bị cơ sở dữ liệu đầy đủ liên quan đến các tiêu chí đánh giá vùng EBSA.
- Trình bày hồ sơ vùng EBSA tại các hội thảo khu vực để lấy sự đồng thuận của các bên.
- Dựa trên các hội thảo khu vực về thông tin chi tiết các vùng EBSA đáp ứng tiêu chuẩn, Ban tư vấn và hỗ trợ khoa học kỹ thuật của Công ước về đa dạng sinh học (SBSTTA - Subsidiary Body on Scientific, Technical and Technological Advice) sẽ chuẩn bị báo cáo đánh giá gửi hội nghị các bên (COP) xem xét duyệt.
- Báo cáo cuối cùng sẽ được gửi tới một hội đồng chung của Liên Hiệp Quốc (UNGA - United Nations General Assembly), nhóm làm việc Ad Hoc Open và các tổ chức chính phủ liên quan xem xét đồng thuận và triển khai các hoạt động liên quan bảo tồn.
Các tiêu chí đánh giá vùng EBSA
Năm 2008, Công ước đa dạng sinh học (CBD) đã đưa ra 07 tiêu chí đánh giá để lựa chọn các vùng EBSA gồm: (1) đặc hữu, duy nhất; (2) đặc biệt quan trọng cho vòng đời các loài; (3) nơi cư trú quan trọng các loài quý hiếm, nguy cấp; (4) đặc biệt nhạy cảm và hồi phục chậm; (5) năng suất sinh học cao; (6) đa dạng sinh học cao; (7) tính nguyên sơ, ít bị tác động con người. Các tiêu chí cụ thể như Bảng 1:
Bảng 1. Các tiêu chí đánh giá lựa chọn vùng đặc thù sinh học, sinh thái (EBSA) theo Công ước Đa dạng sinh học (CBD). Trích từ tài liệu của Hội nghị các bên COP 9/20
STT |
Tiêu chí đánh giá |
Giải thích |
Ví dụ |
1 |
Đặc hữu, duy nhất (Unique) |
- Là khu vực có chứa những loài, quần thể, quần xã duy nhất, hiếm hoặc đặc hữu cho vùng; - Hoặc là khu vực chứa sinh cảnh duy nhất hoặc khác biệt hoặc hình thành hệ sinh thái; - Hoặc là khu vực chứa đặc điểm đặc biệt về địa mạo, hải dương học. |
- Miệng núi lửa thủy nhiệt. - Các quần xã đặc hữu quanh khu vực rạn san hô vòng (Atoll). |
2 |
Đặc biệt quan trọng cho vòng đời các loài (Life history) |
Là khu vực cần thiết cho một quần thể nào đó tồn tại và phát triển. |
- Bãi đẻ, bãi giống. - Vùng săn mồi. - Vùng trú đông. |
3 |
Nơi cư trú quan trọng các loài quý hiếm, nguy cấp (Endangered) |
- Là khu vực có sinh cảnh cho sự sống và tái tạo quần đàn các loài suy thoái, nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng; - Là khu vực tập trung nhiều loài suy thoái, nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. |
- Quần xã loài nguy cấp ở khu vực đảo san hô vòng. - Bãi đẻ, bãi giống các loài nguy cấp. |
4 |
Đặc biệt nhạy cảm và hồi phục chậm (Fragility) |
- Là khu vực có chứa tỷ lệ khá cao các sinh cảnh hoặc các loài nhạy cảm, dễ bị tổn thương dẫn đến suy thoái, cạn kiệt bởi các tác động của con người hoặc thiên tai; - Hoặc là khu vực có chứa sinh cảnh, loài có khả năng tái tạo, hồi phục rất chậm. |
- Khu vực cho các loài tạo ra sinh cảnh (san hô, hải miên). - Khu vực cho các loài có chu ki sống dài, sức sinh sản thấp (cá mập). - Khu vực dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm (vùng băng đá). |
5 |
Năng suất sinh học cao (Productivity) |
Là khu vực có chứa các loài, quần thể, quần xã có năng suất sinh học tự nhiên cao (mật độ sinh vật phù du cao, giàu dinh dưỡng, Chlorophyll-a…). |
- Vùng nước trồi. - Vùng nước xoáy. - Vùng núi thủy nhiệt. - Vùng núi ngầm. |
6 |
Đa dạng sinh học cao (Biodiversity) |
Là khu vực có chứa đa dạng hệ sinh thái, đa dạng quần xã, đa dạng thành phần loài, đa dạng nguồn gen cao. |
- Vùng núi ngầm. - Vùng nước xoáy. - Vùng hệ sinh thái san hô nước lạnh. - Vùng hệ sinh thái hải miên biển sâu. |
7 |
Tính nguyên sơ, ít bị tác động con người (Naturalness) |
- Là khu vực còn khá nguyên sơ, tự nhiên ít bị tác động của con người; - Hoặc là khu vực sinh thái đã được bảo vệ và phục hồi thành công. |
- Vùng hệ sinh thái tự nhiên chưa bị khai thác. - Vùng bảo tồn biển đã phục hồi sinh thái thành công. |
Trong 7 tiêu chí đánh giá lựa chọn vùng EBSA, tiêu chí tính nguyên sơ ít bị tác động của con người được đánh giá thấp nhất (31%) so với các tiêu chí khác (51-70%). Hai tiêu chí tính đặc hữu và tính liên quan đến vòng đời của loài được đánh giá cao trong việc xét lựa chọn vùng EBSA (Hình 2). Như vậy có thể nhận thấy, các vùng EBSA tập trung nhiều vào những sinh cảnh đặc thù liên quan đến vòng đời của các loài và nơi cư trú quan trọng của các loài quý hiếm, nguy cấp.
Hình 2. Tỷ lệ phần trăm đánh giá vài trò của các tiêu chí trong việc xét lựa chọn các vùng EBSA
thông qua 9 hội nghị vùng từ 2011 – 2014 (Nicholas J. Bax, 2015).
Tiếp cận bảo tồn biển dựa vào vùng EBSA ở Việt Nam
Đối với vùng hệ sinh thái ven bờ, ven đảo có các hệ sinh thái hang ngầm có thể là tiềm năng của khu đặc thù sinh học hoặc sinh thái do chúng còn giữ được tính nguyên sơ, ít bị tác động của con người và có thể chứa những loài đặc hữu, duy nhất. Đồng thời một số vùng có tính đa dạng sinh học cao, là nơi bãi đẻ, bãi giống của nhiều loài quý hiếm và hệ sinh thái đang được bảo vệ tốt cũng có thể là khu vực EBSA tiềm năng, ví dụ như vùng biển Côn Đảo, Phú Quốc – Nam Du.
Đặc biệt đối với vùng biển khơi, các hệ sinh thái gò đồi ngầm, hoặc hệ sinh thái biển sâu là những vùng rất tiềm năng để đề xuất công nhận vùng đặc thù sinh học hoặc sinh thái (EBSA). Do các khu vực này hầu như chưa bị tác động nhiều bởi hoạt động của con người, chúng còn giữ được tính nguyên sơ của các hệ sinh thái. Đặc biệt ở đây có nhiều hệ sinh thái đặc thù mà ít khi có ở nơi khác như hệ sinh thái san hô vùng nước lạnh, hệ sinh thái thảm bọt biển và nhiều loài mới có thể chưa được ghi nhận trên thế giới. Trong Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ có phê duyệt chương trình nghiên cứu bãi cạn, gò đồi ngầm và biển sâu trong giai đoạn 2020 – 2025. Đây cũng là cơ hội để thu thập đầy đủ các cơ sở khoa học cho việc đề xuất các vùng EBSA ở Việt Nam, ví dụ như các gò đồi ngầm ở vùng biển Trường Sa.
Đến thời điểm hiện tại (2020), một số khu bảo tồn biển đã đi vào hoạt động được 20 năm và đã 10 năm triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể các KBTB Việt Nam và tuy nhiên chưa có những nghiên cứu nào đánh giá tổng thể, rà soát lại thực trạng của các KBTB đã thành lập về mặt bảo vệ sinh thái, nguồn lợi biển, sinh kế của cộng đồng ngư dân và hiệu quả của công tác quản lý. Việc nghiên cứu khoanh vùng đặc thù sinh học hoặc sinh thái (EBSA) có thể là một hướng tiếp cận bảo tồn hiệu quả song song với các khu bảo tồn biển và có thể hỗ trợ cho các khu bảo tồn biển hình thành các mạng lưới dựa trên đặc thù sinh thái học.
Chính vì vậy, việc xây dựng kế hoạch bảo tồn biển kết hợp giữa khu bảo tồn biển (MPA) và khu đặc thù sinh học, sinh thái (EBSA) để tạo thành mạng lưới sinh thái hỗ trợ lẫn nhau có thể là một cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và nguồn lợi biển Việt Nam. Ngoài ra, đối với các vùng biển nằm ngoài vùng tài phán hoặc trong vùng tranh chấp, thiết lập vùng EBSA là một công cụ nghiên cứu hiệu quả trong việc quy hoạch không gian biển hoặc trao đổi hợp tác quản lý bảo tồn biển liên quốc gia.
Tài liệu tham khảo
COP 9/20, 2008. Ninth meeting of the Conference of the Parties to the Convention on Biological Diversity, from 19 – 30 May, 2008 at Bonn, Germany.
Dunn D. C. et al., 2014. The Convention on Biological Diversity’s ecologically or biologically significant areas: origins, development, and current status. Marine Policy, 49: P. 137–145.
Nicholas J. Bax, Jesse Cleary, Ben Donnelly, Daniel C. Dunn, Piers K. Dunstan, Mike Fuller, and Patrick N. Halpin, 2015. Results of efforts by the Convention on Biological Diversity to describe ecologically or biologically significant marine areas. Conservation Biology Journal, Volum 30, No.3. Page 571-581. DOI: 10.1111/cobi.12649
Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.
Hoàng Chiều
Viện NCHS
hdchieu@rimf.org.vn