Tham dự Lễ bế giảng, về phía Bangladesh có ông Md Abdul Karim – Giám đốc điều hành quỹ PKSF, ông Mohammad Fazlul Kader – Phó Giám đốc quỹ PKSF, các nhà quản lý, các chuyên gia và các học viên; Văn phòng TW Hội có Giáo sư Nguyễn Ngọc Phú – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, bà Nguyễn Hoàng Lan – Phó Chánh văn phòng và các chuyên viên; đại diện Trung tâm CECD có bà Phạm Thị Hồng – Giám đốc Trung tâm; Viện nghiên cứu Hải sản có TS. Nguyễn Văn Nguyên – Phó Viện trưởng, ThS. Đặng Minh Dũng – Giám đốc Trung tâm Phát triển nghề cá Vịnh Bắc Bộ, ThS. Nguyễn Duy Thành – Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Khoa học, Hợp tác quốc tế và Đào tạo, các giảng viên; cùng tham dự buổi lễ còn có các đại diện đến từ Viện nghiên cứu phát triển thực hành pháp luật (CLD) và các chủ trang trại.
Khóa tập huấn lý thuyết về kỹ thuật sản xuất cua giống và ương cua giống được tổ chức từ ngày 15/5 đến ngày 18/5/2016 cho các cán bộ kỹ thuật đến từ Quỹ PKSF và NGF của Bangladesh.
Chương trình tập huấn lý thuyết bao gồm 8 bài giảng giới thiệu các nội dung: Đặc điểm sinh học cua xanh. Yêu cầu và thiết kế trại sản xuất giống, Chuẩn bị nước và xử lý nước, Tuyển chọn và kỹ thuật nuôi vỗ cua bố mẹ, Kỹ thuật cho cua đẻ và nuôi cua ấp trứng, Kỹ thuật nuôi thức ăn cho ấu trùng và hậu ấu trùng cua biển. Kỹ thuật ương nuôi ấu trùng đến cua bột và Kỹ thuật ương nuôi cua bột lên cua giống (2cm).
Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đã nắm vững lý thuyết về kỹ thuật sản xuất giống và ương giống cua biển, và có thể sử dụng thành thạo 02 Bộ tài liệu giảng dạy để sau này tập huấn lại cho các Hộ nghèo của Bangladesh trong công cuộc xóa đói giảm nghèo vùng tây Bangladesh, giáp Ấn Độ.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác và phát triển nghề nuôi trồng hải sản của Bangladesh, Viện nghiên cứu Hải sản mong muốn có thể hợp tác đào tạo, tập huấn và chuyển giao các công nghệ: khai thác, chế biến, sản xuất giống và nuôi trồng hải sản là thế mạnh của Viện cho các cán bộ của Bangladesh.
N.T.Tỉnh