Tham gia đợt tập huấn là các cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi hải sản, Viện nghiên cứu Hải sản (RIMF) với sự hướng dẫn bởi TS. Tsutomu Nishida, chuyên gia đánh giá nguồn lợi cá ngừ thuộc Viện nghiên cứu Quốc gia về Nghề cá xa bờ Nhật Bản (NRIFSF) và chuyên gia của Phòng Đào tạo của Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC).

Phát biểu khai mạc đợt tập huấn, ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản đã nhắc lại những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác giữa RIMF và SEAFDEC trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh vai trò của SEAFDEC không những trong công tác quản lý nghề cá mà còn tích cực hỗ trợ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trong việc đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ nghiên cứu.

Tại đợt tập huấn, đại diện nhóm nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi hải sản đã trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu về đặc điểm sinh học, sinh thái học của các loài cá ngừ vây vàng và cá ngừ sọc dưa ở vùng biển Việt Nam. Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi đối với các loài cá này cũng được trình bày tóm tắt nhằm cung cấp thông tin cơ sở cho các thành viên tham gia đợt tập huấn.

TS. Tsutomu Nishida cho rằng, nguồn lợi cá ngừ ở Biển Đông rất phong phú và có tiềm năng lớn cho phát triển nghề cá hướng tới các đối tượng này. Để quản lý hiệu quả nguồn lợi và nghề cá thì các thông tin khoa học về hiện trạng nguồn lợi và rủi ro sinh thái của quần thể trước áp lực khai thác là rất cần thiết. Mô hình ASPIC Kobe Plot do TS. Tsutomu Nishida và nhóm nghiên cứu phát triển là một trong những công cụ được sử dụng để đánh giá nguồn lợi và đã được áp dụng hiệu quả trong đánh giá nguồn cá ngừ ở Nhật Bản và các quốc gia trong khu vực Trung và Tây Thái Bình Dương (WCPFC). TS. Tsutomu Nishida cũng cho biết thêm, mô hình ASPIC Kobe plot có thể áp dụng cho đánh giá nguồn lợi đối với tất cả các nhóm nguồn lợi nếu có thể đáp ứng được yêu cầu của số liệu đầu vào.

Như vậy, có thể thấy, tiềm năng ứng dụng của mô hình ASPIC Kobe Plot rất khả quan đối với công tác đánh giá nguồn lợi hải sản ở nước ta. Bản chất của ASPIC Kobe plot là sử dụng những dữ liệu lịch sử về năng suất khai thác (CPUE) và sản lượng khai thác để đưa ra dự báo tình trạng quần đàn của đối tượng khai thác trong tương lai.

Trong thời gian tập huấn, TS. Tsutomu Nishida cũng đã trình bày phương pháp đánh giá nguồn lợi các loài cá di cư, giới thiệu nguyên tắc làm việc của mô hình ASPIC Kobe Plot đồng thời hướng dẫn các học viên thực hành phân tích, đánh giá dựa trên các số liệu của loài cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to ở Biển Đông.

Sau 4 ngày tập huấn, về cơ bản, các học viên đã nắm được phương pháp đánh giá nguồn lợi đối với các loài cá di cư, đồng thời làm chủ được mô hình ASPIC Kobe Plot sử dụng trong đánh giá nguồn lợi cá ngừ vây vàng và cá ngừ sọc dưa ở Biển Đông.

Kết thúc đợt tập huấn, TS. Vũ Việt Hà, Trưởng phòng Nghiên cứu Nguồn lợi hải sản đã bày tỏ sự cảm ơn đối với TS. Tsutomu Nishida và Phòng Đào tạo thuộc Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC). Đồng thời, ông Hà cũng hy vọng tiếp tục nhận được hỗ trợ từ SEAFDEC trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đánh giá nguồn lợi và quản lý nghề cá trong thời gian tới.

  • Một số hình ảnh của đợt tập huấn:

 

 

 TS. Tsutomu Nishida hướng dẫn các học viên làm quen với chương trình Kobe Plot

TS. Tsutomu Nishida hướng dẫn các học viên thành hành chương trình Kobe Plot

TS. Tsutomu Nishida trao chứng chỉ hoàn thành khóa tập huấn cho các học viên

 TS. Vũ Việt Hà phát biểu bế mạc đợt tập huấn

Hoàng Ngọc Sơn