Acid amine là thành phần quan trọng, cấu thành nên các protein khác nhau, đảm nhiệm nhiều vai trò và chức năng trong các hoạt động sống của cơ thể. Ngoài ra, acid amine còn có tác dụng tổng hợp nên những loại nội tiết tố và chất dẫn truyền thần kinh cần thiết để hỗ trợ cho các quá trình sinh hóa trong cơ thể. Rong biển có hàm lượng acid amine tương đương, thậm chí còn cao hơn đậu và trứng. Rong biển chứa 17 loại acid amine, trong đó có mặt tất cả 8 acid amine thiết yếu (leucine, isoleucine, lysine, methionine, trytophan, valine, threonine, phenylalnine). Ví dụ như Gracilaria changiiis có tổng hàm lượng acid amine là 91,90 ± 7,70%, chủ yếu là các acid amine thiết yếu (55,87 ± 2,15 mg/g) tương đương với yêu cầu của FAO/WHO (Fleurence, 1999, Chan and Matanjun, 2017). Các acid amine thiết yếu đóng vai trò cốt lõi quan trọng tham gia vào nhiều quá trình sinh hóa của cơ thể. Sự thiếu hụt acid amine thiết yếu có thể tác động tiêu cực đến toàn bộ cơ thể, bao gồm hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa.

            Ngoài ra, peptide hoạt tính sinh học có nguồn gốc từ rong biển cũng đã được chứng minh và sử dụng làm thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, các hoạt động chuyển hóa của cơ thể, giúp hạ huyết áp và chống oxy hóa (Admassu et al., 2018). Carnosine và glutathione đều là peptide chất chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại gây ra bởi phản ứng oxy hóa. Một peptide có hoạt tính sinh học khác được sản xuất từ rong biển là Kahalalide F. Đây là depsipeptide có khả năng chống ung thư và được sử dụng trong điều trị AIDS.

Như vậy, rong biển là nguồn giàu protein, peptide sinh học và acid amine, có nhiều ứng dụng quan trọng trong các lĩnh vực y dược, thực phẩm, mỹ phẩm, nông nghiệp, sinh học. Rong biển được đánh giá là nguồn sản xuất protein tiềm năng lớn trong tương lai trên toàn thế giới (Hoek et al., 2018).

            Tại Việt nam, có khoảng 827 loài rong biển (Nguyen V.T. et al. 2013), trong đó có 78 loài rong biển kinh tế (FAO, 1990). Với diện tích nuôi trồng khoảng 10.000 hecta, sản lượng rong tươi thu hoạch hàng năm đạt 101.000 tấn; đây là nguồn lợi nguyên liệu dồi dào để phát triển các sản phẩm từ rong bằng ứng dụng công nghệ sinh học (công nghệ enzyme, công nghệ vi sinh,…), trong đó có các dạng chiết cao rong (seaweed extracts), protein, axit amine và các peptide sinh học từ rong có thể ứng dụng trong sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm bảo vệ sức khỏe, chăm sóc làm đẹp,…

Thu hoạch, sơ chế rong cải biển (Ulva) tại Lý Sơn, Quảng Ngãi

TS. Nguyễn Hữu Hoàng và cs.,2019

 TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Admassu H., M. Abdalbasit, A. Gasmalla and R. Y. W Zhao, 2018. Bioactive peptides derived from seaweed protein and their health benefits: Antihypertensive, Antioxidant, and Antidiabetic Properties. Journal of Food Science, Vol. 83.
  2. Beaulieu L., M. Sirois and E. Tamigneaux, 2016. Evaluation of the in vitro biological activity of protein hydrolysates of the edible red alga, Palmaria palmata (dulse) harvested from the Gaspe coast and cultivated in tanks. J Appl Phycol 28: 3101–15.
  3. Chan P. T. and P. Matanjun, 2017. Chemical composition and physicochemical properties of tropical red seaweed, Gracilaria changii. Food Chemistry, Vol 221, 302-310.
  4. Đặng Diễm Hồng và cộng sự, 2008. Nghiên cứu đánh giá và khai thác hoạt chất từ tảo biển. Báo cáo tổng kết đề tài. Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  5. Fleurence J., 1999. Seaweed proteins: biochemical, nutritional aspects and potential uses. Food Science & Technology 10: 25-28.
  6. Hoek L. S. and E. K. Bayoumi, 2018. Evaluating seaweed as a source of protein in the future of food production worldwide. Journal of Pharmacy and Biological Sciences.
  7. Jo C., F. F. Khan, M. I. Khan and J. Iqbal, 2016. Marine bioactive peptides: types, structures, and physiological functions. Food Rev Intl 33:44–61.