Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) năm 2016 ước tính hàng năm, ngành bao bì thải ra môi trường khoảng 58 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, một phần trên mặt đất, phần rơi vào hệ thống thoát nước làm tắc nghẽn cống rãnh, phần ra sông hồ, và cuối cùng là đổ ra biển. Ước tính hàng năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đi vào lòng đại dương. Con số tích tụ đến nay khoảng 150 triệu tấn, trong đó 2/3 chìm xuống đáy sâu.
Rác nhựa chứa những chất phụ gia độc hại như hợp chất Phthalate trong nhựa Polyvinyl chloride (PVC), Bisphenol A (BPA) trong nhựa Polycarbonate (PC)… Ước tính trong đại dương, 150 triệu tấn rác nhựa chứa khoảng 23 triệu tấn phụ gia. Những hóa chất này sẽ dần được phóng thích và gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường nước.
Ngành thủy sản Việt Nam chưa có nghiên cứu, đánh giá về hiện trạng thải rác thải nhựa ra môi trường từ hoạt động khai thác và nuôi trồng hủy sản. Thực tế, các hoạt động sản xuất trong ngành thủy sản vẫn xả thải ra môi trường chất thải nhựa như: ngư cụ, bạt lót ao nuôi, vở chai lọ thuốc thú y thủy sản, bao bì thức ăn…..
Hiện nay, nhiều lưới đánh bắt cá vẫn là dây cước nhựa. Các ngư dân nuôi bè lồng trên biển cũng sử dụng các thùng bằng nhựa để làm lồng nổi, nhiều ngư dân còn dùng các lốp ô tô cũ để nuôi hà,… Những thứ này khi đã hết hạn sử dụng thường được vứt thẳng ra biển, làm cho biển ngày càng tích trữ nhiều về rác thải nhựa.
Các cơ quan truyền thông khi phỏng vấn ngư dân thì cho kết quả ước tính có những mẻ cá của ngư dân thì 3 phần cá và 1 phần là rác thải trong đó chủ yếu là rác thải nhựa.
Theo kết quả nghiên cứu của Joleah Lamb (Đại học Cornell), nhựa tạo ra những nơi trú ngụ lí tưởng để các sinh vật cực nhỏ định cư có thể gây bệnh nếu chúng tiếp xúc với san hô. Các sản phẩm làm từ nhựa - thường được làm từ polypropylene, như nắp chai và bàn chải đánh răng - có chứa nhiều vi khuẩn, điều này liên quan đến nhóm các bệnh tàn phá san hô toàn cầu gọi là hội chứng tẩy trắng. Khi các mảnh vụn nhựa tiếp xúc với san hô, khả năng mắc bệnh tăng từ 4% lên đến 89% - một sự thay đổi gấp 20 lần. Các nhà khoa học ước tính rằng khoảng 11,1 tỷ loại đồ nhựa bị vướng vào các rạn san hô trên khắp khu vực châu Á Thái Bình Dương và con số này sẽ tăng 40% trong 7 năm tới. Các nhà khoa học dự đoán rằng đến năm 2025, chất thải nhựa đi vào môi trường biển sẽ tăng lên khoảng 15,7 tỉ đồ nhựa trên các rạn san hô, có thể dẫn đến bệnh xói mòn xương, hội chứng tẩy trắng và bệnh san hô đen. Nghiên cứu cho thấy rằng ô nhiễm chất thải nhựa đang tiêu diệt san hô.
Theo Bà Jacinthe Seguin, Bộ Tài nguyên và Biến đổi khí hậu Canada, rác thải nhựa gây tổn thất lên đến hơn 13 triệu USD/năm đối với các hệ sinh thái biển, hơn 600 loài sinh vật biển đã bị ảnh hưởng, 15% các loài đang bị đe dọa; tác động đến du lịch, thủy hải sản, vận tải, sinh kế và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Theo Giáo sư Carmen Ablan Lagman, Đại học De La Salle, Philippines, Biển Đông chiếm 1/3 lượng cá trên thế giới, có đa dạng sinh học lớn với 365 loài cá trong khi khu vực biển ở châu Mỹ chỉ có khoảng 60 loài nhưng đang bị đe dọa nghiêm trọng, không chỉ do biến đổi khí hậu mà còn do đánh bắt và ô nhiễm. Rất nhiều quốc gia trong khu vực khai thác các nguồn tài nguyên chủ yếu thông qua đánh bắt. Ngư dân Philippines chịu áp lực lớn từ đánh bắt do sản lượng thủy sản giảm, ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là do vi nhựa.
NN