Ảnh minh họa

Theo đó, Quy chế bao gồm 3 chương, 17 điều, trong đó có quy định cụ thể về phối hợp xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước hằng năm; theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết chương trình; thực hiện hiệu quả với chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển; bảo đảm an ninh, an toàn trong quá trình triển khai nhiệm vụ...

Quy chế đã quy định về mục đích, nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong quản lý thực hiện Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030.

Cụ thể, mục đích phối hợp nhằm bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án, nhiệm vụ của Chương trình ngay từ khâu lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện đến hoạt động nghiệm thu và đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, đề án, dự án trong Chương trình. Tổ chức tốt công tác điều phối, chia sẻ thông tin, dữ liệu, khai thác, tận dụng tối đa năng lực, kinh nghiệm, phương tiện, trang thiết bị trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, dự án; tăng cường và đề cao trách nhiệm, tính chủ động, tích cực của từng bộ, cơ quan, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình.

Quyết định cũng nêu rõ, các bộ ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình: Xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách, việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thực hiện các nhiệm vụ, dự án, tổng hợp, phân bổ kinh phí hằng năm của Chương trình; theo dõi, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết Chương trình; gắn kết thực hiện với Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển và các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan.

Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình gồm: Thẩm định và phê duyệt dự án thực hiện; hướng dẫn, phân bổ và giao kế hoạch, dự toán ngân sách Nhà nước thực hiện; kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, quyết toán và giao nộp sản phẩm; thông tin, báo cáo trong quá trình thực hiện.

Về phương thức phối hợp có thể thực hiện bằng hình thức gửi công văn, thư điện tử; tổ chức họp trao đổi, lấy ý kiến; chia sẻ, cập nhật thông tin có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình và các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; tổ chức các đoàn, tổ công tác liên ngành trong trường hợp cần thiết.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã ký ban hành phê duyệt “Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030”. Với  mục tiêu đến năm 2030, tối thiểu 50% diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam được khảo sát, điều tra, phân tích, đánh giá về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ở tỉ lệ 1:500.000 và điều tra ở tỷ lệ lớn đối với một số khu vực trọng điểm.

Cụ thể, trong giai đoạn 2020 - 2025, một trong các nhiệm vụ của Chương trình là điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn minh sinh thái biển nhằm có được các số liệu, dữ liệu về khí tượng, hải văn, môi trường, động đất, sóng thần... phục vụ quy hoạch, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; xây dựng, thiết kế các công trình trên biển, đánh giá các tác động của yếu tố tự nhiên tới các công trình biển, quá trình xâm nhập mặn, suy thoái môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đo đạc, thành lập, hệ thống hóa bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn 1:10.000 một số khu vực trọng điểm, tỉ lệ trung bình 1:50.000 vùng biển ven bờ và tỉ lệ nhỏ 1:250.000, 1:500.000 trên toàn bộ vùng biển Việt Nam.

Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở tỉ lệ nhỏ vùng biển sâu, điều tra chi tiết tại các bãi cạn, gò đồi ngầm; tiến hành điều tra định kỳ nguồn lợi hải sản và môi trường sống của loài hải sản, các loại tài nguyên và các yếu tố môi trường có tính biến động theo quy định pháp luật.

Điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học đánh giá tiềm năng tài nguyên vị thế, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, thủy triều, sinh dược học biển và các nguồn tài nguyên khác;...

Giai đoạn 2026 - 2030, điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học biển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo về quy luật phân bố và nguồn gốc thành tạo các khoáng sản biển (khí hydrate, sa khoáng,...), cổ khí hậu, cổ đại dương, chế độ thủy thạch động lực, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tới các hệ sinh thái,...

Tiếp tục điều tra đánh giá định kỳ một số yếu tố tự nhiên, tài nguyên có tính biến động cao như: hải dương học, khí tượng thủy văn, tài nguyên sinh vật, hệ sinh thái, môi trường biển và hải đảo; điều tra, đánh giá chi tiết tiềm năng, trữ lượng một số tài nguyên, khoáng sản biển, các loại tài nguyên mới phục vụ việc khai thác và sử dụng bền vững các loại tài nguyên biển.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong điều tra, nghiên cứu những vấn đề mang tính khu vực và quốc tế như: ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, rác thải xuyên biên giới, cảnh báo động đất, sóng thần, ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, cổ khí hậu, cổ đại dương, chuỗi, lưới thức ăn, ăn mòn khí quyển và nước mặn đối với các công trình trên biển và ven biển.

Văn Thọ