Công tác gỡ thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động khai thác hải sản tự nhiên của Việt Nam là vấn đề cần khẩn trương thực hiện. Ở ĐBSCL, công tác này đang triển khai thực hiện quyết liệt, được ngư dân hưởng ứng tích cực.
Tại Tiền Giang, xác định chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, nên tỉnh đã thành lập và sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo Chống khai thác hải sản bất hợp pháp IUU do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và sở NN-PTNT là cơ quan thường trực. Ban chỉ đạo lấy công tác tuyên truyền, vận động ngư dân, ngư phủ chấp hành quy định IUU là nhiệm vụ trọng tâm.
Các tỉnh ĐBSCL lấy công tác tuyên truyền đến ngư dân làm trọng tâm gỡ thẻ vàng. Ảnh: Minh Đảm.
Năm qua, các ngành chức năng đã phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức gần 100 cuộc tuyên truyền với hơn 4.600 ngư dân, tài công, ngư phủ tham dự. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền trực quan tại 2 Cảng cá Mỹ Tho và cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông). Đồng thời, gửi trực tiếp các tài liệu có liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp đến chủ tàu, thuyền trưởng…
Nhờ vậy mà từ đầu năm đến nay, tình hình khai thác biển của ngư dân đã đi vào nế nếp. Ông Trần Thái Huy Châu, chủ của 6 tàu cá tại phường 6, thành phố Mỹ Tho cho biết, do chấp hành tốt các quy định của ngành chức năng nên từ trước đến nay chưa lần nào vi phạm về vấn đề lãnh hải cũng như an toàn kỹ thuật khi khai thác biển:
“Mình rất nghiêm chỉnh, bằng máy định vị GSHT mình theo dõi tàu nằm tọa độ nào, dùng điện đàm tầm xa để điều khiển vị trí. Ví dụ bây giờ mình coi tàu nào đang đậu nơi đâu, đi đến tọa độ nào để điều tiết, mình không cho đi qua nước bạn đâu. Nếu có nguy cơ bên Chi cục thủy sản báo động ngay. Bên chi cục cũng phổ biến, kiểm tra thường xuyên lắm. Nếu vi phạm phạt nặng lắm, tịch thu phương tiện và phạt đến 2 tỷ đồng/phương tiện”.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, số lượng tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm rõ rệt. Năm 2017 có 12 tàu vi phạm, đế năm 2018 có 3 tàu vi phạm, năm 2019 có 3 tàu vi phạm và năm 2020 chỉ có 1 tàu vi phạm. Từ đầu năm đến nay, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm IUU.
Tại phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hiện có 140 tàu khai thác xa bờ. Năm 2019, có 1 phương tiện vi phạm lãnh hải bị xử lý. Qua công tác tuyên truyền, từ năm 2020 đến nay không có trường hợp nào vi phạm. Ông Phạm Minh Trúc, Chủ tịch UBND phường 2, thành phố Mỹ Tho chia sẻ:
“Đối với ngư dân phường 2 chấp hành rất tốt, chỉ thỉnh thoảng khi đánh bắt thất bác họ đi theo luồng cá ra ngoài gần đường biên khi đó Chi cục thủy sản có cảnh báo người ta quay về. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các ngành, các cấp, nhất là các nghiệp đoàn cùng với hệ thống chính trị tại địa phương sẽ tăng cường vận động các chủ phương tiện cũng như ngư dân tuyên truyền quy định của Nhà nước về đánh bắt xa bờ không xâm phạm lãnh hải của nước ngoài. Song song đó, mình cũng tuyên truyền về việc bảo vệ vùng biển của Việt Nam”.
|
Công tác gỡ “Thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) đối với hoạt động khai thác thủy sản tự nhiên của Việt Nam là vấn đề cần khẩn trương thực hiện.
Ảnh: Minh Đảm.
Tiếp tục khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Liên minh Châu Âu đến nay, toàn tỉnh có 925/1.069 tàu đã lắp thiết bị giám sát hành trình (GSHT), đạt hơn 86,5%. Trong đó, số tàu đang hoạt động trên biển đã lắp đặt chiếm trên 99%. Số tàu còn lại chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là do tạm ngưng hoạt động. Tổ Giám sát tàu cá thuộc Chi cục Thủy sản đã thực hiện tốt quy chế quản lý, sử dụng, khai thác dữ liệu giám sát tàu cá và xử lý dữ liệu giám sát tàu cá đối với tàu cá tỉnh Tiền Giang đã được ban hành. Hằng ngày, đơn vị chức năng gọi điện thông báo cho chủ tàu khi có tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển…
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Cảng cá Tiền Giang thực hiện kiểm soát, giám sát sản lượng tàu cá cập cảng hằng năm đạt 100%. Đồng thời, thu hồi nhật ký khai thác của tàu cá khi cập cảng, để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản xuất sang thị trường châu Âu theo quy định. Công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khi cấp giấy xác nhận, chứng nhận đã được Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá thực hiện nghiêm túc. Đơn vị kiên quyết từ chối xác nhận, chứng nhận đối với các tàu không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác, tàu cá trong danh sách vi phạm khai thác IUU.
Tại Bến Tre, Đội tàu của tỉnh Bến Tre hiện có gần 2.000 phương tiện trong diện phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đến nay công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt hơn 98,1%, trong đó tàu từ 24 mét trở đã hoàn thành 100%. Qua thiết bị giám sát hành trình, từ cuối năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 72 lượt tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tổ giám sát của tỉnh đã phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương mời chủ phương tiện làm việc và buộc cam kết không tái phạm. Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm được thực hiện nghiêm túc. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã thực hiện 21 đợt tuần tra, kiểm tra gần 1.500 phương tiện và đã phát hiện 31 vụ vi phạm xử phạt hành chính với số tiền trên 800 triệu đồng. Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho biết:
“Bến Tre tuyên truyền rất mạnh, nếu mà EU tăng thẻ vàng lên thẻ đỏ, thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống đại bộ phận không những người đi trên tàu, gia đình người đi trên tàu mà ảnh hưởng đến dịch vụ hậu cần nghề cá… Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền trên báo đài, họp những ông thuyền trưởng để thông tin cho họ biết tác hại đó, làm sao khi tàu của họ liên hệ biết được tàu đang ở trong hải phận hai đi ra nước ngoài thì ông chủ tàu có trách nhiệm kêu tàu của mình về”.
Để khắc phục “Thẻ vàng”-IUU, cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp từ Trung ương đến các địa phương ven biển. Ảnh: Minh Đảm.
Để thực tháo gỡ “Thẻ vàng” IUU, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến các tỉnh vùng ĐBSCL để tìm hiểu thực trạng, tìm hướng khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện chủ trương này. Qua đó, cho thấy hầu hết đối với ngư dân vùng ĐBSCL hiện nay đã nhận thức được tầm quan trọng của vấn đế chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định – IUU và tích cực thực hiện.
Tuy nhiên, ở từng địa phương, từng thời điểm vẫn còn xảy ra một ít trường hợp vi phạm vùng biển nước. Đáng quan tâm là hình thức đánh bắt “ăn chia” theo phần trăm giữa chủ phương tiện và tài công. Khi ra khơi, tài công ham lợi nhuận cố tình cho phương tiện ra vùng vi phạm. Dù có thiết bị giám sát hành trình nhưng việc kiểm soát liên hệ với các tàu đang hoạt động trên biển vẫn chưa được thực hiện, phải thông qua chủ tàu. Do đó, có nhiều trường hợp lực lượng chức năng không thể kịp thời liên lạc các tàu quay trở về khi có vi phạm. Ngoài ra, một số cảng cá chưa thực hiện tốt việc quản lý phương tiện ra vào, kiểm tra nhật ký . Một số ngư dân chưa ý thức cao trong việc lắp đặt thiết bị hành trình vì ngại sự quản lý, theo dõi của cơ quan chức năng.
Do đó, để khắc phục thẻ vàng - IUU, cần có sự vào cuộc của các ngành, các cấp từ Trung ương đến các địa phương ven biển. Bên cạnh việc kiểm tra, xử phạt mạnh tay thì công tác tuyên truyền đến ngư dân, ngư phủ, thuyền viên về Luật Thủy sản và các văn bản liên quan đến chống khai thác IUU, cần được ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm. Sau mỗi chuyến đi biển vào đất liền, tài công, ngư phủ phải được duy trì sinh hoạt, nghe tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là những quy định về chống khai thác IUU, làm cho họ nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định – IUU là nhiệm vụ và quyền lợi của những người khai thác biển nói riêng và ngành khai thác hải sản nói chung.
MINH ĐẢM – HỮU ĐỨC