Tham dự Hội thảo có ông Bùi Tuấn Minh - đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng; ông Đỗ Đức Trung - Giám đốc Trung tâm dịch vụ Hậu cần nghề cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng; bà Đỗ Thị Thu Hường - Trưởng phòng Vi sinh, Trung tâm chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 1; bà Trần Thị Huệ - Trưởng khoa Chế biến Trường Cao đẳng nghề thủy sản Miền Bắc; ông Bùi Trọng Tâm, Phó trưởng phòng CN sinh học –Viện nghiên cứu Hải sản; thành viên Hội đồng Khoa học – Đào tạo; các chuyên gia và cán bộ các Phòng nghiên cứu công nghệ Sau thu hoạch, công nghệ Sinh học biển, Phòng thí nghiệm khoa học biển các cán bộ khoa học có quan tâm. Chủ trì Hội thảo PGS.TS. ĐỗVăn Khương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học.
Toàn cảnh Hội thảo
Mục tiêu khoa học của đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ chế biến 03 sản phẩm từ hàu Crassostrea gigas Thunberg, 1793 (hàu xông khói, hàu khô chín tẩm gia vị, dầu hàu). Sau 18 tháng thực hiện, đề tài đã nghiên cứu và hoàn thiện được 03 quy trình công nghệ: 1) chế biến sản phẩm hàu xông khói, 2) chế hàu khô chín tẩm gia vị, và 3) chế biến dầu hàu, quy mô phòng thí nghiệm với các thông số tối ưu và sản xuất thử nghiệm quy mô 100kg/mẻ. Kết quả cho thấy quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm cho chất lượng tương đối ổn định. Sản phẩm sản xuất theo quy trình trên có chỉ số kim loại nặng và vi sinh đều thấp hơn giới hạn cho phép theo QCVN 8-2-2011/BYT “Quy định giới hạn ô nhiễm kim loại nặng” và QCVN 8-3-2012/BYT “Quy định giới hạn ô nhiễm vi sinh trong thực phẩm” và QĐ46/2001-BYT “quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm”.
Tại Hội thảo, các thành viên Hội đồng Khoa học, các chuyên gia và các nhà tư vấn đã thảo luận sôi nổi và đóng góp nhiều ý kiến giúp cho Ban chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết.
Các kết quả của đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cần được mở rộng ở quy mô công nghiệp nhằm phát triển ngành chế biến hàu ở Việt Nam.
Một số hình ảnh sản phẩm của đề tài:
N.T.Tỉnh – Trần Thị Ngà