Nhằm mục tiêu giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch trên tàu chụp mực xa bờ và nâng cao lợi nhuận cho ngư dân trong mỗi chuyến biển, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Nam đã giao cho Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam thực hiện đề tài: “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu lưới chụp mực xa bờ phù hợp với điều kiện thực tiễn tại tỉnh Quảng Nam” do ThS. Nguyễn Như Sơn làm chủ nhiệm.
Đề tài được thực hiện với 5 nội dung: Nội dung 1: Đánh giá hiện trạng công nghệ bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ tỉnh Quảng Nam. Nội dung 2: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị ngâm hạ nhiệt, bảo quản lạnh thấm và cải tạo hầm bảo quản thủy sản trên tàu lưới chụp mực khai thác hải sản xa. Nội dung 3: Xây dựng quy trình công nghệ bảo quản thủy sản bằng hệ thống lạnh kết hợp lắp đặt trên tàu lưới chụp mực khai thác hải sản xa bờ. Nội dung 4: Đánh giá hiệu quả sử dụng công nghệ bảo quản thủy sản trên tàu lưới chụp mực khai thác hải sản xa bờ. Nội dung 5: Chuyển giao công nghệ cho ngư dân ở địa phương.
Sáng ngày 24/03/2021, tại Quảng Nam, Sở Khoa Học và Công Nghệ tỉnh Quảng Nam đã tổ chức nghiệm thu cấp tỉnh các kết quả của đề tài. Tham dự buổi nghiệm thu có sự hiện diện của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam, Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Núi Thành, lãnh đạo Phân Viện nghiên cứu hải sản phía Nam và Ban chủ nhiệm đề tài, Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Nam. PGS.TS. Đặng Minh Nhật - Chủ tịch hội đồng, chủ trì buổi nghiệm thu.
ThS. Nguyễn Như Sơn báo cáo kết quả thực hiện đề tài
Thạc sỹ Nguyễn Như Sơn - chủ nhiệm đề tài đã báo cáo những kết quả mà đề tài đã đạt được sau hơn 2 năm thực hiện (08/2018 - 01/2021) như sau:
- Lắp đặt được hệ thống lạnh kết hợp phù hợp với diện tích (hầm máy và mặt boong thao tác) của tàu lưới chụp mực QNa-91291-TS;
- Xây dựng được quy trình vận hành và bảo dưỡng hệ thống thiết bị lạnh và quy trình bảo quản thủy sản bằng công nghệ lạnh kết hợp trên tàu lưới chụp mực phù hợp với trình độ sản xuất của ngư dân;
- Quy trình dễ vận hành, cải tiến các khâu thao tác, giảm bớt được sức lao động của ngư dân so với phương pháp bảo quản truyền thống;
- Việc áp dụng công nghệ bảo quản mới vào sản xuất đã giúp doanh thu chuyến biển tăng thêm 37,69 triệu đồng/tháng, trong khi đó, chi phí sản xuất giảm xuống do tiết kiệm được khoảng 37,5% lượng nước đá mang theo tàu;
- Lợi nhuận của tàu ứng dụng công nghệ lạnh kết hợp cao hơn 65,8% so với tàu không ứng dụng công nghệ. Tổng vốn đầu tư công nghệ lạnh kết hợp dao động từ (350 - 510) triệu đồng/tàu, thời gian hoàn vốn từ (3,6 - 5,5) tháng;
- Công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ cho 90 ngư dân tại tỉnh Quảng Nam cho nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ ngư dân/chủ tàu có nhu cầu ứng dụng công nghệ lạnh kết hợp chiếm đến 92,0%.
Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài, ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của ban chủ nhiệm, đồng thời khẳng định các kết quả của đề tài có tính thực tiễn cao, phù hợp với thực trạng và điều kiện của ngư dân làm nghề chụp mực ở Quảng Nam.
Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài với kết quả 7/7 phiếu Đạt.
Trương Quốc Cường – Phân Viện Nghiên cứu hải sản phía Nam