Sau ba năm triển khai thực hiện (từ tháng 11/2016 - 10/2019), đề tài: “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội”, mã số KC.09.05/16-20 đã hoàn thành các mục tiêu đề ra:

- Đánh giá được tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu của Việt Nam.

- Xây dựng được mô hình khai thác, nuôi trồng hiệu quả, bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả thực hiện đã đạt được:

- Đã đánh giá được các đặc trưng về điều kiện tự nhiên, môi trường, sinh thái tại các đảo tiền tiêu;

- Đánh giá được đa dạng thành phần loài, đặc điểm phân bố và trữ lượng nguồn lợi các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu;

- Đánh giá được tiềm năng nguồn lợi, khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế ở các đảo tiền tiêu;

- Đề xuất được mô hình nuôi trồng, khai thác bền vững các loài rong biển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, môi trường ở các đảo tiền tiêu;

- Xây dựng được hai mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế đạt hiệu quả cao (Mô hình nuôi trồng rong nho trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn; mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý).

  Ngày 05/3/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu cấp Nhà nước các kết quả đạt được của đề tài. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các kết quả đã đạt được, ghi nhận những nỗ lực cố gắng của tổ chức chủ trì và Ban chủ nhiệm đề tài đồng thời khẳng định các kết quả đạt được của đề tài có giá trị thực tiễn cao, mở ra hướng phát triển mới cho các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam trong việc khai thác tiềm năng điều kiện tự nhiên và môi trường tại các đảo xa bờ, thông qua phát triển nuôi trồng rong nho biển và rong sụn phục vụ nhu cầu đời sống người dân trên đảo, khách du lịch thập phương, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đồng thời đây cũng là đối tượng nuôi tiềm năng, thân thiện và cải tạo môi trường sống, thay thế cho các đối tượng nuôi khác ít thân thiện với môi trường, có giá trị kinh tế thấp hơn.

Kết quả nghiên cứu, di trồng và nhân rộng mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn và mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý của đề tài là cơ sở khoa học quan trọng, góp phần phát triển nghề nuôi trồng rong biển, một đối tượng có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng rất cao cho các đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Hội đồng nhất trí nghiệm thu dự án với kết quả 1/9 phiếu xuất sắc 8/9 phiếu đạt.

Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước

Trần Thị Ngà, Đỗ Anh Duy