Toàn cảnh buổi làm việc
Để từng bước áp dụng tiếp cận hệ sinh thái vào thực tiễn quản lý nghề cá biển ở nước ta, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt, tuyển chọn Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái”, với các mục tiêu: 1) Xây dựng được bộ tiêu chí phân loại vùng biển theo chức năng hệ sinh thái; 2) Xây dựng được sơ đồ phân bố các vùng biển theo hệ sinh thái phục vụ quản lý nghề cá và sơ đồ phân vùng quản lý nghề cá dựa vào hệ sinh thái; 3) Đề xuất được nguyên tắc, phương thức khai thác ở các vùng sinh thái và giải pháp, kiến nghị điều chỉnh chính sách trong quản lý nghề cá biển.
Sau 3 năm thực hiện, đề tài đã hoàn thành các mục tiêu đã đề ra. Định hướng quản lý nghề cá biển Việt Nam dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, phù hợp với đặc điểm đa dạng sinh học, đặc điểm nguồn lợi và hoạt động khai thác hải sản đã được làm rõ. Trên toàn vùng biển Việt Nam, 15 phân vùng sinh thái đã được xác định làm cơ sở cho việc đánh giá trữ lượng, sản lượng và cường lực khai thác. Ba phân vùng quản lý nghề cá dựa trên định hướng mục tiêu là 1) Bảo vệ đa dạng sinh học; 2) Bảo vệ nguồn lợi hải sản và 3) Phát triển nghề cá đã được xác định, góp phần cung cấp thông tin khoa học cho việc quy hoạch, quản lý nghề cá biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng đã đưa ra 8 giải pháp và 3 kiến nghị với cơ quan quản lý trong việc từng bước hoàn thiện khung pháp lý để có thể áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá biển ở Việt Nam.
Ngày 13/9/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nghiệm thu cấp nhà nước các kết quả đạt được của đề tài. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các kết quả đã đạt được, ghi nhận những nỗ lực cố gắng của tổ chức chủ trì và Ban chủ nhiệm đề tài đồng thời khẳng định các kết quả đạt được của đề tài có giá trị thực tiễn cao và có thể áp dụng vào quản lý nghề cá biển ở Việt Nam.
Hội đồng nhất trí nghiệm thu dự án với kết quả 9/9 phiếu đạt.
Trần Thị Ngà, Vũ Việt Hà