Đến dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ sản, Sở NN&PTNT Kiên Giang, Chi cục thuỷ sản của các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, và phía cơ quan khoa học có Đại diện Viện Kinh tế Quy hoạch Thuỷ sản và Phân Viện Nghiên cứu Hải sản Phía Nam (ThS Nguyễn Xuân Thi, Thạc sỹ Đoàn Văn Phụ và ThS.Đinh Xuân Hùng); dự hội thảo còn có 02 chuyên gia Trung tâm nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC). Bà Nguyễn Thị Trang Nhung – Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT và Ông Nguyễn Phú Quốc Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác Thuỷ sản (Tổng cục Thuỷ sản) phát biểu khai mạc và bế mạc hội thảo.
Hội thảo “Nâng cao năng lực quản lý nghề lưới kéo” tại thành phố Hồ Chí Minh:
REBYC-II CTI đã thực hiện thí điểm tại Kiên Giang và tại Hội thảo này đại diện Chi cục Kiên Giang đã trao đổi một số kinh nghiệm quản lý với các Chi cục. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến mang tính xây dựng, tích cực trao đổi thẳng thắn các vấn đề đang vướng mắc về quản lý nghề lưới kéo ở tất cả các địa phương. Hội thảo đã tập trung vào thảo luận các vấn đề liên quan đến cách tiếp cận quản lý nghề lưới kéo ở Việt Nam. Đại diện các Chi cục đã trình bày tham luận về tổng quan nghề lưới kéo ở các địa phương, đưa ra những ý kiến góp ý cho dự thảo hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý nghề.
Các đại biểu cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác quản lý cũng như việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực khai thác, đặc biệt là nghề lưới kéo. Hầu hết các tàu khai thác bằng nghề lưới kéo bảo quản sản phẩm bằng nước đá xay, chưa tiếp cận được các phương pháp bảo quản hiện đại. Năng lực quản lý còn rất yếu, lực lượng thanh, kiểm tra mỏng không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Các Chi cục vẫn còn rất lúng túng trong việc tìm giải pháp quản lý phù hợp. Nhiều đại biểu cho rằng giải pháp kiểm soát đầu vào như công văn 9443/BNN-TCTS yêu cầu các địa phương tạm ngừng cấp phép đóng mới tàu lưới kéo và cải hoán tàu nghề khác sang nghề lưới kéo là hợp lý trong giai đoạn này. Tuy nhiên, khâu tổ chức thực hiện vẫn còn vướng mắc do một số hợp đồng đóng tàu lưới kéo ngư dân đã ký trước khi có quy định. Vấn đề hợp tác quốc tế để đưa tàu lưới kéo Việt Nam khai thác ngừ trường quốc tế là nhu cầu cần thiết của các địa phương nhằm giảm áp lực khai thác trên vùng biển Việt Nam.
Ảnh: Báo cáo khoa học của Phân viện tại Hội thảo
Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam (Phân viện) đã trình bày báo cáo tham luận về tiếp cận kỹ thuật trong quản lý nghề lưới kéo. Trước đó, Phân viện đã hợp tác nghiên cứu thí nghiệm thiết bị thoát đối tượng không mong muốn cho nghề lưới kéo tôm ở Kiên Giang. Kết quả đã khẳng định việc ứng dụng đụt lưới mắt vuông cho nghề lưới kéo rất khả thi bởi thiết bị này dễ thiết kế, rẻ tiền, việc lắp đặt không ảnh hưởng đến kết cấu ngư cụ, tính chọn lọc cao và điều quan trọng là ngư dân có thể tự lắp đặt được. Tuy nhiên, phía Phân viện cũng khẳng định để áp dụng hiệu quả thì cần nghiên cứu cụ thể ở từng địa phương, mỗi loại lưới kéo và tuỳ thuộc từng đối tượng muốn giải thoát. Kết quả nghiên cứu của Phân viện được đánh giá cao nhưng vấn đề áp dụng vào thực tiễn thì vẫn chưa được thảo luận nhiều tại Hội thảo này.
Hội nghị tổng kết Dự án REBYC-II CTI tại Phú Quốc:
Sau khi nghe báo cáo kết quả dự án, các ý kiến đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà quản lý, nhà khoa học. Hội nghị đã đánh giá các kết quả chính như sau:
- Dự án “Xây dựng chiến lược quản lý sản phẩm đánh bắt ngẫu nhiên trong nghề lưới kéo tại Việt Nam (REBYC-II CTI)”, với mô hình thí điểm thực hiện tại tỉnh Kiên Giang đã đạt được mục tiêu đề ra là thức đẩy các biện pháp, thực hành khai thác hải sản có trách nhiệm thông qua áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong hoạt động đánh bắt hải sản và nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực quản lý nghề lưới kéo nói riêng, ngành thủy sản nói chung theo hướng bền vững.
- Dự án đã đạt được kết quả khả quan, phù hợp với mục tiêu đề ra. Năng lực quản lý cấp Quốc gia và địa phương đã được cải thiện để đảm bảo từng bước tiếp cận đến các quy định quản lý trong khu vực và trên thế giới về quản lý nghề lưới kéo. Dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội mặc dù kinh phí thực hiện dự án thấp.
- Dự án phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản về việc quản lý nghề lưới kéo nhằm giảm cường lực khai thác đối với nghề này do tác động của nó đến xã hội, môi trường, nguồn lợi và hệ sinh thái.
Ảnh: Tổng kết dự án tại Phú Quốc
Để tăng cường năng lực quản lý nghề lưới kéo, hội nghị cũng thống nhất đề xuất như sau:
- Các địa phương, các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc công văn số 9443/BNN-TCTS ngày 18/11/2015 của Tổng cục Thủy sản về việc yêu cầu các địa phương tạm dừng việc đóng mới tàu làm nghề lưới kéo và cải hoán các tàu từ nghề khác sang nghề lưới kéo.
- Hỗ trợ các tỉnh khác xây dựng kế hoạch quản lý nghề lưới kéo theo hướng tiếp cận hệ sinh thái như mô hình tỉnh Kiên Giang đã làm.
Đinh Xuân Hùng, Nguyễn Xuân Thi- Phân viện NCHS phía Nam