90% các loài cá săn mồi lớn, như cá mập, đã bị biến mất bởi tàu đánh cá công nghiệp quy mô lớn. Theo các tổ chức bảo vệ môi trường, nếu không có biện pháp hữu hiệu, cá mập khó tồn tại qua nửa đầu thế kỷ XXI.
Tình trạng săn bắt cá mập làm thức ăn, làm thuốc hoặc làm quà lưu niệm trên thế giới ngày càng gia tăng dẫn đến số lượng cá mập đang bị suy giảm nghiêm trọng, có khả năng dẫn đến sự diệt vong của loài động vật biển quý hiếm này.
Cá mập xám (Ảnh: WWF)
Theo Chương trình Biển toàn cầu của Quỹ Thiên nhiên thế giới (WWF) trong một thông điệp phát đi hồi gần đây, các nhà khoa học mới phát hiện ra, 90% các loài cá săn mồi lớn, như cá mập, đã biến mất, bị loại bỏ khỏi các đại dương bởi tàu đánh cá công nghiệp quy mô lớn.
Các hoạt động đánh bắt hủy diệt và hoang phí (như lấy vây cá mập bằng cách cắt vây và vứt bỏ phần xác còn lại của con cá ra biển) đang đẩy một số loài cá mập đến bên bờ tuyệt chủng.
Các nhà khoa học cho rằng, trái ngược với quan niệm phổ biến, vây cá mập có rất ít giá trị dinh dưỡng và thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe lâu dài vì trong vây cá có chứa thủy ngân với hàm lượng lớn.
Một số quần thể, gồm cá mập hổ (tiger shark) và cá mập bò (bull shark), đã bị suy giảm đến 90%. Những loài ít bị đe dọa khác như cá nhám gai (spiny dogfish) và cá nhám hồi (porbeagle) bị đánh bắt để lấy thịt và dầu cá (tiêu thụ chủ yếu tại châu Âu) cũng đang trên đà suy giảm nghiêm trọng.
Cá mập đã tồn tại vững chắc từ trước khi xuất hiện khủng long, và được chứng minh là loài có khả năng sinh tồn cao. Nhưng với xu hướng khai thác hiện nay và trước nhu cầu ngày càng tăng về thịt và các sản phẩm từ cá mập, chúng sẽ phải cầu cứu đến mọi sự giúp đỡ để có thể sống sót qua nửa đầu của thế kỷ 21.
Quản lý khai thác yếu kém là mối đe dọa chính đối với cá mập và đời sống biển nói chung. 3/4 trữ lượng cá thương mại toàn cầu đã bị khai thác quá mức, lượng đánh bắt đến tận mức giới hạn phục hồi của chúng.
Kiều Minh(Theo VietNamNet)