Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), điều kiện tiên quyết để gỡ “thẻ vàng” hoặc nguy cơ cao bị “thẻ đỏ” trong đợt kiểm tra của Đoàn Thanh tra EC là kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, từ thời điểm EC cảnh báo “thẻ vàng” (ngày 23/10/2017) đến nay, tình trạng tàu cá của Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có diễn biến phức tạp và khó quản lý hơn.
Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản công bố cho thấy, từ đầu năm 2019 đến ngày 10/9/2019 đã xảy ra 113 vụ/187 tàu/877 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là Kiên Giang (50 vụ/85 tàu/198 ngư dân), Bà Rịa Vũng Tàu (15 vụ/31 tàu/246 ngư dân), Bến Tre (18 vụ/28 tàu/155 ngư dân), Bình Định (12 vụ/18 tàu/125 ngư dân)…
Tình trạng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực tháo gỡ “thẻ vàng”, đặc biệt là khả năng sẽ bị EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” đối với ngành khai thác hải sản của Việt Nam.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo các chuyên gia là do việc chậm trễ trong khâu phê duyệt cấp kinh phí thuê cơ sở hạ tầng giám sát nghề cá còn chậm, dẫn đến việc triển khai lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.
Theo quy định, đến ngày 1/7/2019, 100% tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có kết nối với vệ tinh, tuy nhiên, đến ngày 30/9/2019 các địa phương mới lắp đặt được 1.733/2.618 (66,19%) tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Thêm vào đó, việc cơ sở hạ tầng giám sát tàu cá triển khai chậm dẫn đến hầu hết các tỉnh mới bắt đầu triển khai thí điểm lắp đặt giám sát hành chính, điều này dẫn đến chưa đủ căn cứ để triển khai các quy định về xử phạt đối với các vi phạm về thiết bị giám sát hành trình.
Để tháo gỡ “thẻ vàng” của EC
Theo Tổng cục Thủy sản, trong thời gian tới cần phải có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn nữa trong việc tháo gỡ “thẻ vàng”.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu với Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định lần 3 để chỉ đạo rút kinh nghiệm triển khai những nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.
Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất là phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp trên vùng biển nước ngoài.
Cùng với đó, các bộ, ban, ngành và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất bến, nhập bến; tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khai thác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ tại Văn phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá.
Đối với việc tháo gỡ “thẻ vàng” của EC, cần phải tổ chức lại sản xuất trong ngành khai thác hải sản, tổ chức sản xuất phải có chuỗi gắn kết người đánh bắt với những đơn vị chế biến xuất khẩu. Phải đưa kỹ thuật khai thác vào, cải tiến nghề cá, cải tiến lại phương pháp bảo quản sau thu hoạch để làm sao giá trị kinh tế cao lên, thăm dò nguồn cá, dự báo ngư trường để bà con ngư dân có điều kiện đánh bắt có hiệu quả.
Điều quan trọng nhất chính là phải chấm dứt hoàn toàn tình trạng ngư dân đánh bắt ở vùng biển nước ngoài, nếu tất cả mọi thứ Việt Nam đều làm tốt nhưng vẫn còn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp thì chắc chắn sẽ không thể nào gỡ được “thẻ vàng”.
Hiện nay, quy mô số lượng, các hộ khai thác thủy sản rất lớn, để thay đổi tất cả các hành vi trong cùng một lúc không phải đơn giản, hiện vẫn còn một số hộ ngư dân chưa chấp hành. Do đó, cần quyết tâm làm và làm quyết liệt hơn nữa nhất là việc xử lý vi phạm đủ sức răn đe để ngư dân tuân thủ các khuyến cáo mà EC đưa ra, nhanh chóng sớm được gỡ “thẻ vàng”.
Anh Minh (T/h)