Ảnh minh họa

Tám tháng đầu năm 2019, năm thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc và Hồng Kông, Mỹ, EU, Nhật Bản và ASEAN chiếm thị phần lần lượt là 21,5% (giá trị giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2018), 21,2% (+12,6%), 11,9% (-6,7%), 8,5% (+10%) và 9,6% (-2,9%).

Đối với mặt hàng thủy sản, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 năm 2019 ước đạt 733 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 6,23 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, chiếm 56,8% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 8 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Đài Loan (+13,1%), Trung Quốc (+11,2%) và Mexico (+10,6%).

Ước giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 9 năm 2019 đạt 2,41 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 9 tháng đầu năm đạt 23,16 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 19,37 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2018.

Ba thị trường nhập khẩu chính trong 8 tháng đầu năm 2019 là: Hoa Kỳ, Argentina và Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 36,8% tổng thị phần nhập khẩu. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu cao nhất là thị trường Trung Quốc với giá trị nhập khẩu đạt 3,14 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ, trong 8 tháng đầu năm 2019, giá trị nhập khẩu của thị trường này đạt 2,55 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2018. Argentina là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3, trong 8 tháng đầu năm 2019 giá trị nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,92 tỷ USD, tăng 43,5% so với cùng kỳ 2018.

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng thủy sản tháng 9/2019 đạt 127 triệu USD, đưa tổng giá trị thủy sản nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1,32 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất trong 8 tháng đầu năm 2019 là Nauy, chiếm 12,2% thị phần, tiếp đến là Ấn Độ và Trung Quốc với thị phần lần lượt là 11,4% và 7,7%. Trong 8 tháng đầu năm 2019, thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản tăng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2018 là Philippin (gấp 2,67 lần), ngược lại thị trường có giá trị nhập khẩu thủy sản giảm mạnh nhất là Ấn Độ, giảm 45,9% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Bộ NN&PTNT, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2018. Cụ thể, giá và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng như cà phê, gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn, tôm, cá tra giảm sâu. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường giảm, đặc biệt thị trường Trung Quốc (ước giảm 8%), EU (ước giảm 6,5%).

Dự báo, trong thời gian tới, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục suy giảm. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc leo thang. Xuất khẩu nông sản sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn và sự gia tăng các rào cản thương mại, nhất là từ thị trường Trung Quốc.

Với kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 9 tháng qua cho thấy, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, toàn ngành cần tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để phòng chống thiên tai, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đảm bảo ổn định sản xuất nông, lâm, thủy sản; hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đảm bảo cân đối cung cầu trong những tháng cuối năm; đẩy mạnh xuất khẩu...

Các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn đối với sản phẩm gạo, thịt lợn, sữa, trái cây với thị trường Trung Quốc; tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc sản phẩm thủy sản, đặc biệt đối với việc EU rút “thẻ vàng” các sản phẩm thủy sản Việt Nam, Chương trình Giám sát nhập khẩu thủy sản của Mỹ; trái cây, hồ tiêu... với thị trường EU; thủy sản, rau quả, cà phê đối với thị trường Nhật Bản; thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, thịt gà chế biến, trứng gia cầm muối với Hàn Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.

NN