Kéo cá Hồng Mỹ thương phẩm tại ao nuôi mô hình để kiểm tra
Tại buổi kiểm tra, chủ nhiệm đề tài ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo đã báo cáo các công việc tiến hành được trong thời gian qua: cải tạo 3 ao đất (mỗi ao 3.000m2), lắp đặt hệ thống thiết bị (quạt, máy bơm,…), xử lý nước ao nuôi, thả cá giống, chăm sóc cá và theo dõi các yếu tố môi trường, ghi nhật ký, theo dõi tỷ lệ sống của cá… trong quá trình kết hợp với cơ sở nuôi (Công ty TNHH chế biến thuỷ sản Phát Huy). Thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, đề tài gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam nói chung và tại tỉnh Bến Tre nói riêng, do đó việc đi lại công tác của cán bộ khoa học bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Phân Viện, đề tài đã chủ động thu xếp công việc phù hợp, bố trí được cán bộ kỹ thuật ở tại cơ sở nuôi để luôn đồng hành với người dân trong quá trình thực hiện. Vì vậy, sau 8 tháng nuôi cá Hồng Mỹ đạt được kích cỡ thương phẩm 800 -1.000gram/con, tỷ lệ sống đạt 75% và các chỉ số về môi trường trong ao nuôi mô hình tốt.
Đại diện Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam – TS. Nguyễn Xuân Thi phát biểu đánh giá cao sự cố gắng của Ban Chủ nhiệm đề tài, cơ sở nuôi và đề nghị đề tài tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo: tập huấn kỹ thuật cho các hộ nuôi, thu hoạch cá thương phẩm, hoàn thành đăng ký sản phẩm Ocop địa phương và xúc tiến thị trường tiêu thụ cá Hồng Mỹ.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre phát biểu đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài và đề nghị Phân Viện, cũng như đề tài thực hiện các nội dung công việc tiếp theo như hợp đồng đã ký; đồng thời đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm giúp đỡ để đề tài đạt kết quả tốt nhất, đây là cơ sở để nhân rộng mô hình nuôi cá Hồng Mỹ thương phẩm đến các cơ sở nuôi, hộ nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Nguyễn Thị Phương Thảo
Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam