Khoá đào tạo tập huấn được triển khai dưới sự giảng dạy chính của PGS. TS. Lê Đức Minh giảng viên Khoa Sinh học; TS. Christian Roos và Ms. Christiane Schwarz thuộc Trung tâm Bảo tồn linh trưởng Đức (DPZ). Khóa đào tạo, tập huấn ngoài việc dạy cơ bản về lý thuyết di truyền học bảo tồn, khoa học pháp y, các học viên còn được thực hành ứng dụng tất cả các kĩ thuật trong phòng thí nghiệm, được hướng dẫn về cách sử dụng các thiết bị chuyên dụng trong phòng thí nghiệm về phân tích DNA một cách cẩn thận và an toàn. Về thực nghiệm, học viên được nắm bắt và thực hành đầy đủ các bước của quy trình tách chiết DNA trong phòng thí nghiệm; tiến hành phản ứng chuỗi trùng hợp PCR; kiểm tra sản phẩm PCR bằng phương pháp điện di; làm sạch DNA bằng bộ KIT. Ngoài ra, các học viên còn được học và thực hành các phương pháp phân tích, xử lý số liệu di truyền học và xây dựng cây phát sinh loài.
Học viên thực hành tách chiết DHA trong phòng thí nghiệm
Với vai trò là một trong những cơ quan khoa học CITES Việt Nam, Viện nghiên cứu Hải sản nhận thấy khoá học thực sự bổ ích, giúp trao đổi kinh nghiệm thực tế nghiên cứu di truyền học bảo tồn về các loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ và danh mục CITES như các loài linh trưởng, bò sát, cá mập, cá nhám, … Ngoài ra, đây cũng là cơ hội tốt để gắn kết các nhà khoa học trong và ngoài nước để cùng nhau hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần vào bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm của Việt Nam cũng như của thế giới. Kết thúc khóa tập huấn, các học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình tập huấn do Viện Tài nguyên và Môi trường; Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên; tổ chức Global Wildlife Conservation và WWF chứng nhận.
Trần Văn Hướng