Hình 1: Cán bộ nghiên cứu Viện Nghiên cứu Hải sản chụp ảnh cùng cán bộ của 03 đoàn khảo sát trên tàu HQ630

(Nguồn: Trần Văn Đạt, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, 2021)

Đoàn nghiên cứu khảo sát có sự tham gia của nhiều chuyên gia có kinh nghiệm về nghiên cứu biển gồm: các cán bộ Khoa học thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, đại diện là Tiến sĩ, Trung tá Hoàng Thị Thùy Dương chủ nhiệm nhiệm vụ làm trưởng đoàn khoa học, phía Viện Nghiên cứu Hải sản đại diện thạc sĩ Trần Văn Hướng làm trưởng đoàn, phía Trung tâm Quan trắc - Phân tích môi trường biển đại diện là Tiến sĩ, Trung tá Phạm Thị Quỳnh Chi làm trưởng đoàn.

Nội dung khảo sát đa dạng sinh học biển do Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga cùng đoàn Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện lặn khảo sát hơn 50 lượt lặn khảo sát SCUBA trên các hệ sinh thái rạn san hô và hệ sinh thái cỏ biển tại 06 đảo. Bước đầu đánh giá được đầy đủ các thông tin về thành phần loài, phân bố của các nhóm sinh vật biển (nhóm san hô, nhóm cá rạn, nhóm động vật đáy lớn, nhóm rong cỏ biển và nhóm động vật đáy cỡ nhỏ) làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn lợi sinh vật tại quần đảo Trường Sa.

Nội dung trồng phục hồi san hô do đoàn Viện Nghiên cứu Hải sản triển khai. Ngoài việc đánh giá được tốc độc tăng trưởng và tỷ lệ sống của các loài trồng đợt 01 thì đợt 02 đã trồng bổ sung thêm một số loài san hô cứng và 01 loài san hô sừng để làm phong phú cho số liệu đánh giá các đợt tiếp theo. Bước đầu ghi nhận, tốc độ phát triển rất khả quan và tỷ lệ sống các loài đạt trung bình khoảng trên 70%. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất cần quan tâm đó là các nhóm địch hại với san hô trồng như ốc ăn san hô, sao biển gai và cá ăn san hô (các loài cá mó và cá bò gai).

Nội dung đánh giá chất lượng môi trường nước biển do Trung tâm Quan trắc - Phân tích môi trường biểnđảm nhiệm được thực hiện liên tục từ khi tàu xuất phát đến khi tàu về bến ở các tầng nước và các địa điểm khác nhau và nội dung thu mẫu đa dạng do đoàn Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đã thu được khoảng trên 800 mẫu sinh vật biển các loại phục vụ công tác nghiên cứu và trưng bày bảo tàng của dự án.


Hình 2: Một góc hệ sinh thái rạn san hô tại đảo Nam Yết

(Nguồn: Trần Văn Hướng, Phòng nghiên cứu Bảo tồn biển, Viện nghiên cứu Hải sản, 2021)

Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thì đây cũng là cơ hội để các nhà khoa học được hiểu thêm về cuộc sống của các chiến sĩ bộ trên các đảo nổi và đảo chìm. Với rất nhiều sự khó khăn gian khổ ở nơi vùng biển đảo thiêng liêng của tổ quốc nhưng các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn nêu cao tinh thần: “Hết lòng phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, giữ vững biển hòa bình, ổn định và phát triển”. Đây thật là trải nghiệm vô cùng đáng nhớ của những cán bộ nghiên cứu khoa học như chúng tôi.

Chuyến khảo sát phải đối mặt với rất nhiều khó khăn về thời tiết trên biển, vận hành trang thiết bị nhưng kết quả đạt được đảm bảo an toàn về con người, trang thiết bị và hoàn thành được tất cả các nội dung nhiệm vụ đề ra. Có được kết quả đó, ngoài sự lỗ lực hợp tác giúp đỡ lẫn nhau của các đoàn nghiên cứu còn có sự chỉ đạo sát sao của Trưởng đoàn khoa học, sự giúp đỡ rất lớn của tập thể tàu hải quân HQ630 trong suốt chuyến hành trình. Một lần nữa xin cảm ơn tập thể tàu HQ630, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga và Viện Hải dương học Nha Trang  tham gia thực hiện đề tài.

Trần Văn Hướng