Từ tháng 11/2020 dự án đã tổ chức các các đợt khảo sát tại 11 địa phương ven biển, bao gồm: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Đình, Bình Thuận, Cà Mau, Kiên Giang. Các cuộc khảo sát tại mỗi khu vực được tiến hành thực hiện trong khoảng 10 ngày, đồng thời, thời gian thực hiện được chia thành 2 đợt. Đợt 1 thực hiện trong năm 2020 khảo sát tại 03 khu vực thuộc vùng biển Kiên Giang đến Bình Thuận; Đợt 2 triển khai khảo sát tại 08 khu vực từ vùng biển Phú Yên đến Hải Phòng.
Hình 1. Nhóm Nghiên cứu chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ giám sát
(Nguồn: Phòng Nghiên cứu Bảo tồn biển, Viện nghiên cứu Hải Sản, 2021)
- Nội dung khảo sát đợt 1 là bổ sung xác định và thu thập các chỉ tiêu vị trí địa lý, ranh giới, diện tích và đặc điểm phân bố các hệ sinh thái điển hình tại các khu vực nghiên cứu. Sử dụng phương pháp Manta tow (Kenchington, 1984) kết hợp lặn sâu, định vị GPS nhằm xác định và thu thập các chỉ tiêu nghiên cứu.
- Nội dung khảo sát đợt hai là khảo sát bổ sung hiện trạng hệ sinh thái điển hình, đánh giá nguồn lợi một số nhóm đối tượng bảo tồn (San hô; Cá rạn; Động vật đáy cỡ lớn). Sử dụng phương pháp khảo sát Reefcheck, (Hodgson & Waddell, 1997), (Wilkinson & Baker, 1994) để tiến hành nghiên cứu. Các chỉ tiêu thu thập phục vụ đánh giá, bao gồm: Đa dạng thành phần loài; Mật độ; Sinh lượng; Hiện trạng độ phủ san hô; Hợp phần đáy trong hệ sinh thái. Điểm quan trọng của dự án này là không chỉ mang tính chất thu thập dữ liệu, mà còn tác động đến một bộ phận người dân tại địa phương về tầm quan trọng các hệ sinh thái điển hình ven biển (Rạn san hô; Cỏ biển; Rừng ngập mặn) trong việc giảm thiểu tác động của Biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao nhận thức về việc khai thác hợp lý nguồn lợi thủy sản, và đảm bảo sự tồn tại nguồn lợi thủy sản cho những thế hệ tương lai
Hình 2. Cán bộ nghiên cứu đang thu thập mẫu tại khu vực nghiên cứu
(Nguồn: Đinh Thanh Đạt, Phòng Nghiên cứu Bảo tồn biển, Viện nghiên cứu Hải sản, 2021)
Trong tháng 06/2021, nhóm nghiên cứu sẽ hoàn thành công tác điều tra và phân tích dữ liệu khảo sát của nội dung “Điều tra khảo sát xác định vị trí địa lý, ranh giới, diện tích, bản đồ và đối tượng bảo tồn tại khu vực có tiềm năng thành lập khu bảo tồn biển” thuộc Dự án "Lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Kết quả nghiên cứu của Dự án là cơ sở khoa học xác lập các tiêu chí cần thiết nhằm đề xuất khu bảo tồn biển tiềm năng trong tương lai, góp phần bảo tồn và phát triền bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học biển Việt Nam.
Phạm Trần Đình Nho