Sản xuất thủy sản năm 2019 tăng 4,9%
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, năm 2019, khó khăn nổi bật nhất với thủy sản là ngành hàng cá tra và tôm đối mặt với nhiều thách thức khi giá nguyên liệu giảm trong khi giá nhiên liệu tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp nói chung và các mặt hàng thủy sản nói riêng, rào cản kỹ thuật của một số nước nhập khẩu ảnh hưởng đến sản xuất thủy sản.
Tuy nhiên ngành thủy sản cũng có những thuận lợi như thời tiết đối với nuôi trồng, khai thác thủy sản, thị trường tiêu thụ tương đối ổn định; quan trọng hơn cả là ngành tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng với sự vào cuộc của địa phương, nỗ lực của người dân, các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội... Nhờ vậy sản xuất thủy sản năm 2019 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng.
Năm 2019, tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 6,25% so với năm 2018, tổng sản lượng đạt khoảng 8,15 triệu tấn, tăng 4,9% trong đó sản lượng khai thác đạt 3,77 triệu tấn, tăng 4,5%, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, tăng 5,2%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,6 tỷ USD.
Về kết quả nuôi tôm nước lợ: Trước tình hình bệnh vi bào tử trùng (EHP) bùng phát trên tôm nước lợ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng cục đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thủy sản và địa phương đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế phát sinh bệnh.
Từ đầu tháng 3 đến tháng 9 năm 2019 giá tôm giảm do một số nguyên nhân như: Cạnh tranh từ xuất khẩu của Ấn Độ và Ecuador và sản lượng tồn kho từ năm 2018, trong khi Trung Quốc bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc tại biên giới và diễn biến khó lường của cuộc chiến tranh thương mại Trung- Mỹ. Trước tình hình đó, Tổng cục đã đánh giá sâu diễn biến thị trường, sản xuất, tiêu thụ tôm, đưa ra khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ kỹ thuật, mùa vụ, tăng cường các biện pháp chăm sóc, quản lý, kiểm soát môi trường nuôi, ổn định sản xuất và thực hiện hợp tác, liên kết theo chuỗi để gắn sản xuất với thị trường, để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu rủi ro đối với sản phẩm xuất khẩu. Cùng với việc nhu cầu thị trường nhích lên, sản lượng tôm và giá tôm trong nước được cải thiện, tào đà cho xuất khẩu tôm những tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020.
Cả năm 2019, diện tích nuôi tôm đạt 720 nghìn ha, sản lượng tôm nước lợ ước đạt 750 nghìn tấn bằng 98,3% so với năm 2018, trong đó tôm sú ước đạt 270.000 tấn, tôm chân trắng là đạt 480.000 tấn.
Về sản xuất và tiêu thụ cá tra, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 ước đạt 6,6 nghìn ha, tăng 22,2% so với năm 2018. Sản lượng đạt 1,42 triệu tấn, tương đương với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 1,9 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm 2019, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như diện tích ương giống, nuôi thương phẩm ở một số địa phương tăng dẫn đến dư cung, kim ngạch xuất khẩu đi một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc bắt đầu giảm từ tháng 03/2019, Ả rập- xê út vẫn đóng cửa đối với sản phẩm thủy sản Việt Nam, một số quốc gia lân cận đã phát triển nuôi cá tra,… đã dẫn đến việc giá cá tra nguyên liệu giảm từ cuối tháng 3 đến nay, sau 2 năm tăng trưởng liên tục.
Đối với khai thác thủy sản, nhờ thời thuận lợi, trong năm 2019 các tàu cá nghề lưới kéo, lưới vây, lưới chụp hoạt động nhiều, hiệu quả khá; tàu nghề lưới rê nhiều địa phương hoạt động cầm chừng, hiệu quả thấp.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2020
Tại Hội nghị tổng kết ngành thủy sản năm 2019, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành thủy sản vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như: Hạ tầng cơ sở cảng cá, cơ chế biến biến, điều kiện kho bãi hiện nay còn yếu và chưa được đầu tư tương xứng; đội tàu cá quá lớn, công nghệ kém, thất thoát sau thu hoạch cao... Về nguồn nhân lực cho khai thác và chế biến thủy sản cũng còn thiếu và yếu. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đây là những điểm nghẽn mà ngành thủy sản phải tập trung khắc phục, tháo gỡ.
Về định hướng nhiệm vụ trong năm 2020, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, ngành thủy sản tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung về nuôi trồng thủy sản tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, tập trung vào công tác đăng ký cấp giấy xác nhận (mã số) cơ sở nuôi tôm nước lợ (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), cá tra, nuôi lồng bè… Bên cạnh đó, phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững…
Năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục triêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra 1,42 triệu tấn, tương đương so với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850.000 tấn, tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019./.
Để đạt được mục tiêu trên, trong năm 2020, Tổng cục Thủy sản tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam. Hướng dẫn mùa vụ thả giống tôm nước lợ năm 2020; chỉ đạo địa phương thực hiện một số giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020; chỉ đạo địa phương tăng cường phòng chống rét cho thủy sản nuôi các tháng đầu năm 2020. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung về nuôi trồng thủy sản và các văn bản hướng dẫn. Tiếp tục chỉ đạo tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững. Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo cung cấp sản lượng thủy sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp để chống khai thác IUU, cao điểm là 6 tháng đầu năm 2019 trước khi đoàn EC sang kiểm tra lần 3. Tham mưu cho Ban chỉ đạo quốc gia về IUU chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành phố ven biển thực hiện thông báo ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia lần thứ 3, trong đó có việc nghiên cứu, tiếp thu các khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC và đẩy nhanh tiến độ thực hiện trên thực tiễn.Tiếp tục theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản, chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả, đặc biệt các lễ ra quân khai thác trước và sau Tết nguyên đán. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tập huấn, phổ biến pháp luật liên quan đến khai thác thủy sản cho ngư dân.Tiếp tục tham mưu chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức khai thác theo tổ, đội để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển. Xây dựng quy trình đầy đủ về công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác trước khi xuất khẩu. Phối hợp hoàn thiện hệ thống chứng nhận điện tử để kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá như cấp phép khai thác với công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác. Hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện quy trình kiểm tra, kiểm soát tàu cá, sản lượng bốc dỡ qua cảng theo khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).
Tiếp tục triển khai các dự án điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản. Thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản Việt Nam. Tập trung xây dựng Chương trình điều tra tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản, Chương trình Quốc gia về Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản; Dự án Điều tra nguồn lợi Vùng biển sâu, Quy hoạch khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thu Hiền