Tham gia khoá học gồm các cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên lĩnh lực nguồn lợi, khai thác và bảo tồn biển đến từ Tổng cục Thuỷ sản, Viện Tài Nguyên và Môi trường, Viện Nuôi trồng Thuỷ sản III, Viện Hải Dương học Nha Trang, Trường Đại học Cần Thơ, Chi cục Thuỷ sản của các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận, Bến Tre, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu và 10 cán bộ nghiên cứu của Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam. Về phía MFRDMD, có Tiến sĩ Kenji Taki – Phó chủ tịch Trung tâm; Tiến sĩ Ahmad Ali – nghiên cứu viên chính, giảng viên chính của khoá tập huấn, các ông (bà) Wahidah Mohd Arshaad, Noorul Azliana Jamaludin, Adam Luke Pugas, Nor Azman Zakaria là nghiên cứu viên của Trung tâm. ThS. Nguyễn Xuân Thi – Phân Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam khai mạc và bế mạc lớp tập huấn.

Ảnh: Các học viên và giảng viên chục ảnh lưu niệm tại hội trường Phân Viện

          Chương trình tập huấn gồm các nội dung: lý thuyết phân loại cá đuối, cá mập bằng phương pháp hình thái và di truyền (DNA); báo cáo kết quả phân tích DNA của đợt lấy mẫu năm 2016 tại các cảng cá ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; thực hành lấy mẫu thực tế tại cảng cá; thực hành phân loại bằng hình thái và thực hành lấy mẫu DNA các loài cá đuối, cá mập tại Phân Viện.

Ảnh: Học lý thuyết tại hội trường Phân Viện Ảnh: Thực hành lấy mẫu tại cảng cá Incomat
Ảnh: Thực hành lấy mẫu DNA tại Phân Viện Ảnh: Thực hành phân loại tại Phân Viện

          Khoá tập huấn đã diễn ra trong không khí vui vẻ, các học viên tham gia học tập lý thuyết cũng như đi thực địa tại các cảng cá ở thành phố Vũng Tàu, các thảo luận sôi nổi và đạt kết quả tốt. Các học viên đã thực hành thành thạo phân loại hình thái của nhiều đối tượng cá mập, cá đuối. Trong quá trình học tập và đi thực địa lấy mẫu, các chuyên gia và học viên cùng làm việc hăng say, nhiệt tình. Nhiều học viên lần đầu tiên tham gia khoá tập huấn tỏ ra ngạc nhiên và thích thú với khoá học cũng như lần đầu bắt gặp những hình thức sinh sản lạ của các đối tượng cá đuối, cá mập.

          Qua lớp tập huấn các học viên đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, các chuyên gia và nhà quản lý của SEAFDEC rất hài lòng với tinh thần học tập và sự nghiêm túc của các học viên khoá học. Các chuyên gia, giảng viên nhận định đối tượng cá đuối, cá mập ở vùng biển Việt Nam rất phong phú và đến hiện tại nhiều loài chưa được xác định, cần nghiên cứu thêm.

          Các chuyên gia SEAFDEC đánh giá rất cao tinh thần học tập của các học viên và sự chuẩn bị chu đáo của Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam để khoá tập huấn thành công tốt đẹp. Đại diện các đơn vị: Trung tâm Quản lý và Phát triển Nguồn lợi Hải sản (MFRDMD) thuộc Trung tâm Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC), Tổng cục Thuỷ sản và Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam đều thống nhất trong thời gian tới sẽ tiếp tục có các hoạt động nghiên cứu nhằm đóng góp cho sự phát triển bền vững của nghề cá Việt Nam và nghề cá các nước Đông Nam Á.

                                                                           Đinh Xuân Hùng