Tham gia Hội thảo có đại diện của các bên liên quan, gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, Chi cục Thuỷ sản Kiên Giang, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản, WWF Việt Nam, Viện nghiên cứu Hải sản, tư vấn quốc tế (Richard Banks, chuyên gia đánh giá nghề cá theo tiêu chuẩn của hội đồng quản lý biển) cộng tác viên thực hiện dự án ở địa phương và ngư dân làm nghề khai thác ghẹ xanh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Quản Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nhấn mạnh nguồn lợi ghẹ xanh có vai trò quan trọng đối với sinh kế của ngư dân tỉnh Kiên Giang. Nghề khai thác ghẹ xanh đã tạo việc làm cho hàng vạn lao động nghề cá. Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động khai thác diễn ra với áp lực cao đã làm cho trữ lượng nguồn lợi ghẹ xanh suy giảm, ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân. Các biện pháp kỹ thuật đưa ra nhằm kiểm soát hoạt động khai thác ghẹ xanh chưa thực sự hiệu quả và cần tiếp tục thực hiện để giảm thiểu tác động của hoạt động khai thác đến nguồn lợi và hệ sinh thái.

Đại diện nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hải sản, TS. Vũ Việt Hà đã trình bày kết quả đánh giá nguồn lợi và nghề khai thác ghẹ xanh trong giai đoạn 2013-2018 và một số kết quả đánh giá sơ bộ cho năm 2019. Kết quả đánh giá cho thấy, quần thể ghẹ xanh ở vùng biển Kiên Giang đang trong tình trạng nguy hiểm. Trữ lượng và sản lượng khai thác ghẹ xanh trong năm 2018 đã  giảm so với năm 2013 với tỉ lệ tương ứng lần lượt là 53,1% và 73,4%. Tỉ lệ ghẹ xanh có kích thước nhỏ còn chiếm tỉ lệ cao trong sản lượng khai, đặc biệt là ở nghề rập và nghề lú đã ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi nguồn lợi. Nghề khai thác ghẹ xanh cũng ảnh hưởng tới các loài khai thác không chủ ý, trong đó cá nhám trúc là đối tượng bị ảnh hưởng ở mức trung bình nhưng đã tiệm cận đến ngưỡng rủi ro sinh thái cao.

Dựa trên các kết quả nghiên cứu, một số kiến nghị nhằm phục hồi nguồn lợi cần thực hiện là: 1) Kiểm soát chặt việc tuân thủ các quy định về kích thước mắt lưới tối thiểu đối với nghề rập và nghề lú (Quyết định 23/2016/QĐ-UBND tỉnh Kiên Giang); 2) Cấm khai thác có thời hạn tại khu vực bãi đẻ, bãi giống ghẹ xanh và 3) Giảm cường lực khai thác ghẹ xanh tối thiểu 20% đẻ giảm áp lực khai thác lên quần thể ghẹ; 4) Tăng kích thước cho phép khai thác tối thiểu đối với ghẹ xanh, đảm bảo kích thước khai thác cho phép lớn hơn kích thước tham gia sinh sản 20% (khoảng 11 cm); 5) Tăng cường việc xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác không theo quy định.

Đánh giá tổng thể dự án, chuyên gia tư vấn quốc tế - Richard Banks từ Công ty Poseidon, Australia cho rằng, dự án “Cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh Kiên Giang” đã đạt được kết quả tốt trong giai đoạn 2013-2016 ở tất cả các hợp phần, từ đánh giá nguồn lợi, đánh giá rủi ro sinh thái, đồng quản lý và thực thi các quy định trong quản lý hoạt động khai thác của nghề ghẹ. Tuy nhiên, ở năm 2017 đã xảy ra hiện tượng hải sản chết hàng loạt trên diện rộng ở vùng biển ven bờ từ Kiên Lương đến Hà Tiên trong mùa sinh sản chính của ghẹ xanh đã ảnh hưởng đến lượng bổ sung hàng năm của ghẹ con vào quần đàn và làm cho quần thể ghẹ xanh suy giảm trên 50% trữ lượng. Đó cũng là nguyên nhân gây ra sự suy giảm trên 70% sản lượng khai thác ghẹ xanh ở Kiên Giang trong năm 2018.

Để cải thiện nghề khai thác ghẹ xanh ở Kiên Giang, chuyên gia tư vấn Richard Banks đưa ra một số hoạt động cần thực hiện trong thời gian tới gồm: 1) Giảm mạnh cường lực khai thác (khoảng 50%) để nguồn lợi phục hồi tương đương với trữ lượng ở giai đoạn 2013-2016; 2) Bảo vệ quần thể ghẹ bố mẹ và ghẹ con bằng hình thức cấm khai thác các khu vực bãi đẻ, bãi giống ghẹ xanh; 3) Tăng kích thước tối thiểu cho phép khai thác đối với ghẹ xanh lên 11 cm và bỏ tỉ lệ cho phép lẫn ghẹ con 10% như đã thực hiện từ năm 2013; 4) Tăng kích thước mắt lưới cho phép sử dụng trong khai thác; 5)Cấm nghề lú hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh.

Các bên liên quan đã thảo luận về giai đoạn tiếp theo của dự án, trong đó nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu mức độ xâm hại nguồn lợi của hoạt động khai thác đối với ghẹ xanh ở giai đoạn còn non nhằm tăng lượng bổ sung nguồn lợi ghẹ sau mùa sinh sản, từ đó tăng hiệu quả phục hồi nguồn lợi.

 Vũ Việt Hà.