Tham dự Hội thảo có các chuyên gia lĩnh vực thủy sản, đại diện Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau và Bến Tre, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu; đại diện các Doanh nghiệp chế biến thức ăn thủy sản và ngư dân làm nghề khai thác thủy sản.

Sau khi nghe các báo cáo tham luận về hiện trạng nguồn lợi cá đáy vùng biển Đông – Tây Nam Bộ; kết quả đánh giá điều kiện kinh tế và chuỗi giá trị cho nghề lưới kéo; thực trạng nghề lưới kéo, hiện trạng chế biến bột cá trên địa bàn tỉnh và giải pháp để phát triển hiệu quả nghề lưới kéo. Hội thảo đã tiến hành chia nhóm để đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hội thảo đã nhận dạng một số vấn đề hiện tại các địa phương đang gặp khó khăn, trong đó tập trung vào 04 nhóm vấn đề chính:

- Kinh tế - xã hội: thiếu lao động, đặc biệt là lao động có chất lượng; xung đột vẫn xảy ra giữa các ngành, ngư trường và lao động; dịch vụ cảng và vùng neo đậu thiếu; giá sản phẩm phụ thuộc nhiều vào đầu nậu.

- Nghề cá: cường lực khai thác vượt ngưỡng cho phép; năng suất khai thác giảm; trình độ công nghệ lạc hậu: bảo quản sản phẩm, cơ giới hóa các thiết bị khai thác.

- Nguồn lợi và hệ sinh thái: thành phần loài có giá trị kinh tế giảm, tăng số lượng cá tạp, kích thước cá thể giảm và hệ sinh thái bị phá hủy.

- Quản lý: Bộ máy chưa ổn định, thiếu nguồn lực và cơ chế hoạt động chưa đồng bộ; biện pháp quản lý chưa tốt, triển khai nhật ký khai thác gặp nhiều khó khăn.

Qua đó đã đề xuất được các giải pháp phát triển hiệu quả nghề lưới kéo tại địa phương như: nâng cao chất lượng lao động qua chính sách hỗ trợ của nhà nước, trung tâm xúc tiến việc làm và đào tạo nhân lực; cắt giảm cường lực khai thác; tăng thêm số lượng biên chế cho đơn vị quản lý,…

Nguyễn Như Sơn (Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam)