Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN&MT, Bộ NN&PTNT
phát biểu khai mạc Hội thảo
Tới dự Hội thảo có đại diện của Tổng cục Thủy sản: Viện nghiên cứu NTTS I, II, III; Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội); Trường Đại học Nha Trang; Trường Đại học Y Dược Hải Phòng; Tạp chí NN&PTNT; các chuyên gia và các Doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học; dinh dưỡng thức ăn, bảo quản, chế biến thủy sản. Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viên nghiên cứu Hải sản đồng chủ trì Hội thảo.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản
trình bày báo cáo tổng kết tại Hội thảo
Trong giai đoạn 2008-2020, Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp - thủy sản đã và đang triển khai trên 260 nhiệm vụ khoa học công nghệ, riêng lĩnh vực thủy sản triển khai 89 nhiệm vụ, trong đó 25 nhiệm vụ thuộc nhóm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong thức ăn, bảo quản sau thu hoạch và chế biến thủy sản với tổng kinh phí NSNN khoảng 80 tỷ đồng.
Thay mặt cho cơ quan quản lý, Bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết các cơ quan, tổ chức đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra được nhiều quy trình công nghệ phục vụ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực về dinh dưỡng thức ăn, bảo quản sản phẩm và chế biến thủy sản. Thông qua các nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, các nhà khoa học đã phối hợp tốt hơn với các doanh nghiệp, nhiều sản phẩm mới đã được hình thành từ đây như BIO-TS3, chế phẩm thức ăn, bột nêm dinh dưỡng, nước mắm độ đạm cao có chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh… Trên cơ sở đó, đã góp phần không nhỏ cho sự đa dạng của sản phẩm đầu ra, tạo nhiều sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước và bằng chính công nghệ được nghiên cứu là sản phẩm của chương trình này.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, cũng cần nhìn nhận một thực tế, các nghiên cứu về lĩnh vực dinh dưỡng thức ăn, bảo quản sau thu hoạch và chế biến thủy sản còn những tồn tại hạn chế nhất định như: Phần lớn các sản phẩm tạo ra chủ yếu là các sản phẩm trung gian; các đề tài dự án triển khai còn dàn trải trên nhiều đối tượng, chưa tập trung nguồn lực vào giải quyết một số vấn đề cấp bách trên một số đối tượng giống thủy sản chủ lực mà cần có công nghệ cao, công nghệ sinh học mới có thể giải quyết được. Các nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ bảo quản sau thu hoạch và vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít; dự án sản xuất thử nghiệm, dự án hợp tác quốc tế chưa nhiều. Số công trình công bố trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín còn chưa cao. Các trang thiết bị đầu tư cho nghiên cứu bảo quản sau thu hoạch, chế biến thủy sản còn hạn chế…
Các đại biểu tham quan sản phẩm trưng bày của các dự án CNSH
Tại Hội thảo, ngoài đánh giá các kết quả đã đạt được đối với lĩnh vực dinh dưỡng thức ăn, bảo quản sau thu hoạch và chế biến thủy sản giai đoạn 2008-2020, các đại biểu cũng tập trung thảo luận đưa ra các định hướng để phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của ngành Thủy sản và hội nhập quốc tế.
Công nghiệp sinh học cần thúc đẩy, nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa, nâng cấp quy mô công nghệ, thiết bị và phát triển ứng dụng công nghệ sinh hoc trong lĩnh vực thủy sản bao gồm: dinh dưỡng, thức ăn, bảo quản và chế biến thủy sản. Xây dựng ngành công nghiệp công nghệ sinh học nông nghiệp thủy sản ứng dụng tập trung cho nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia và phát triển sản xuất ở quy mô lớn; Ưu tiên lựa chọn các nhiệm vụ có kế thừa các sản phẩm nghiên cứu trước để hoàn thiện quy trình, xây dựng mô hình ứng dụng phục vụ mở rộng quy mô áp dụng sản phẩm vào thực tiễn sản xuất; Ứng dụng công nghệ enzym, protein, vi sinh vật tạo sản phẩm nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng vật nuôi, nâng cao sức đề kháng đối với các yếu tố sinh học, phi sinh học, nâng cao giá trị gia tăng các nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp, thủy sản làm thức ăn thủy sản có tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn và có khả năng sản xuất ở qui mô công nghiệp; Phát triển phương pháp, kỹ thuật, chế phẩm sinh học phục vụ sơ chế, bảo quản và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản chủ lực của ngành; Ứng dụng công nghệ sinh học tạo công nghệ, chế phẩm sinh học nâng cao giá trị gia tăng các phụ phẩm chế biến sau thu hoạch sản phẩm nuôi trồng thủy, hải sản. Ưu tiên các dự án sản xuất thử nghiệm để hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển các sản phẩm.
Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm
Tại Hội thảo, ngoài đánh giá các kết quả đã đạt được đối với lĩnh vực dinh dưỡng thức ăn, bảo quản sau thu hoạch và chế biến thủy sản giai đoạn 2008-2020, các đại biểu cũng tập trung thảo luận đưa ra các định hướng để phát triển lĩnh vực này trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất của ngành Thủy sản và hội nhập quốc tế với 04 tham luận trình bày và 11 ý kiến trao đổi góp ý từ các chuyên gia và các nhà doanh nghiệp.
Kết thúc Hội thảo, Lãnh đạo Vụ KHCN&MT hy vọng các định hướng này sẽ được cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể để từng bước thúc đẩy lĩnh vực dinh dưỡng thức ăn, bảo quản sau thu hoạch và chế biến thủy sản phát triển tương xứng với các lĩnh vực thủy sản khác. Đồng thời, Vụ cũng mong muốn trong thời gian tới các nhà khoa học cũng như các doanh nghiêp sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN&PTNT trong việc đặt bài và xây dựng các nhiệm vụ khoa học.
Vũ Thị Thu Hằng