Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Adam Bonner giới thiệu bối cảnh hợp tác giữa Viện nghiên cứu Hải sản và Trung tâm Khoa học Môi trường, Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản và mục tiêu hướng tới của hai bên. TS. Nguyễn Khắc Bát trình bày tóm tắt định hướng của tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá biển và khả năng áp dụng trong điều kiện Việt Nam. TS. Andrew Kendy, trưởng nhóm nghiên cứu của dự án trình bày kết quả đạt được của dự án và định hướng nghiên cứu cho các năm tiếp theo.

TS. Adam Bonner phát biểu tại Hội thảo

Trong  năm 2018, nhóm cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Hải sản và Trung tâm Khoa học Môi trường, Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản đã tổng hợp, biên tập và phân tích toàn bộ dữ liệu về môi trường, hải dương học và nguồn lợi hải sản đã được Viện Nghiên cứu Hải sản thu thập trong giai đoạn 2000-2016. Phương pháp phân tích thành phần chính (Principle Component Analysis), phương pháp phân tích cụm (Cluster Analysis) và phương pháp phân tích không gian (Spatial Analysis) được sử dụng để phân tích dữ liệu. Kết quả nghiên cứu ban đầu đã xác định được 12 phân vùng sinh thái ở vùng biển Việt Nam dựa trên các dữ liệu môi trường, hải dương học, sinh vật phù du, nguồn lợi cá nổi lớn, cá nổi nhỏ và hải sản tầng đáy. Các phân vùng này sẽ được sử dụng để đánh giá nguồn lợi, thống kê sản lượng và cường lực khai thác phục vụ công tác quản lý nghề cá biển. Tuy nhiên, hạn chế của kết quả nghiên cứu là dữ liệu đầu vào chưa bao gồm các thông tin về hoạt động nghề cá và kích thước khai thác của các loài hải sản. Do đó, trong giai đoạn tiếp theo của dự án, các phân tích bổ sung về ảnh hưởng của hoạt động khai thác đến nguồn lợi, sinh cảnh và hệ sinh thái và một số rủi ro từ các hoạt động khác của con người cần được thực hiện nhằm điều chỉnh phạm vi phân vùng sinh thái phù hợp, làm cơ sở cho việc áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá biển ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, ông Nguyễn Quang Hùng đánh giá cao hợp tác giữa Viện nghiên cứu Hải sản và Trung tâm Khoa học Môi trường, Nghề cá và Nuôi trồng thủy sản, đồng thời nhấn mạnh những kết quả đạt được của dự án là tiền đề cho việc áp dụng phương thức quản lý nghề cá mới vào thực tiễn quản lý nghề cá ở Việt Nam. Trong giai đoạn tới dự án cần nghiên cứu, đưa ra những giải pháp cụ thể, phù hợp cho công tác quản lý nghề cá biển Việt Nam dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.

 

Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

 Cũng tại Hội thảo, Viện nghiên cứu Hải sản đã trình bày tóm tắt đề xuất dự án “Điều tra thăm dò nguồn lợi sinh vật ở vùng biển sâu Việt Nam”. Mục tiêu của dự án nhằm: 1) Điều tra đa dạng sinh học, đặc điểm môi trường và hải dương học ở vùng biển sâu Việt Nam; 2) Thăm dò đối tượng khai thác mới cho nghề cá Việt Nam và 3) Cung cấp thông tin khoa học cho việc điều chỉnh hoạt động khai thác hải sản từ vùng nước ven bờ ra vùng biển xa bờ và vùng biển sâu. Các nội dung chính của dự án gồm:

  1. Tổng quan những thông tin hiện có về nguồn lợi hải sản, đặc điểm môi trường và hải dương học ở vùng biển sâu
  2. Thực hiện điều tra thăm dò vùng biển sâu, nhằm:

- Đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học ở vùng biển sâu, gồm các nhóm sinh vật ở tầng đáy và lớp phân tán phía trên tầng đáy

- Đánh giá độ phong phú nguồn lợi, thành phần sản lượng, tìm kiếm nguồn lợi hải sản tiềm năng và các nhóm sinh vật khác (các loài có giá trị kinh tế cao, các loài có hoạt tính sinh học, các loài san hô quý)

- Có được bộ mẫu vật của các loài sinh vật ở vùng biển sâu

- Có được những thông tin về đặc điểm địa hình nền đáy, môi trường và hải dương học ở vùng biển sâu

  1. Nghiên cứu tiềm năng nguồn lợi hải sản ở vùng biển sâu nhằm cung cấp thông tin khoa học cho việc điều chỉnh hoạt động nghề cá xa bờ

- Xác định các đối tượng khai thác tiềm năng ở vùng biển sâu

- Nghiên cứu và đề xuất ngư cụ khai thác phù hợp, có thể sử dụng ở vùng biển sâu và công nghệ khai thác đối với nghề cá ở vùng biển sâu.

Dự án sẽ được thực hiện thông qua hợp tác quốc tế. Các nội dung điều tra, nghiên cứu của dự án sẽ được thực hiện bằng các tiếp cận phù hợp, bởi nhà khoa học, các thành viên thực hiện dự án trong nước và từ nước ngoài. Các thành viên tham gia dự án ở trong nước sẽ làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài để thực hiện các chuyến điều tra, thu mẫu, phân tích mẫu, xử lý số liệu, dữ liệu bằng các phương pháp phù hợp. Công việc được thực hiện cùng với các chuyên gia quốc tế sẽ tăng cường năng lực cho các cán bộ nghiên cứu trong nước, đồng thời tăng sự hiểu biết lẫn trong nghiên cứu và sử dụng kết quả nghiên cứu

Kết thúc Hội thảo, TS. Adam Bonner đã gửi lời cảm ơn tới nhà tài trợ và các bên liên quan đã tích cực hỗ trợ để nhóm nghiên cứu hoàn thành các nội dung nghiên cứu của dự án trong năm 2018 đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Viện Nghiên cứu Hải sản trong các giai đoạn tiếp theo vì mục tiêu bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững.

Vũ Việt Hà, Vũ T.T.Hằng