Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Tổ chức IUCN, WWF, CBES…và cán bộ khoa học tham gia nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản chủ trì Hội thảo.
Ông Hoàng Đình Chiều, chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo tại Hội thảo
Tại Hội thảo, Ban Chủ nhiệm nhiệm vụ đã lần lượt giới thiệu chung về nhiệm vụ “Xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ các loài động vật có vú ở biển Việt Nam”; trình bày các báo cáo tham luận: (1) Dự thảo quy trình cứu hộ cá heo mắc cạn ở biển Việt Nam; (2) Dự thảo quy trình cứu hộ cá heo mắc lưới ở biển Việt Nam; (3) Dự thảo quy trình cứu hộ dugong ở biển Việt Nam; (4) Dự thảo quy trình cứu hộ cá voi ở biển Việt Nam
Ban Chủ nhiệm cũng chỉ ra rằng, những công trình nghiên cứu trước đây chủ yếu là những ghi nhận chung trong các chuyến khảo sát về đa dạng sinh học và hầu như chưa có công trình nào chỉ ra hiện trạng khai thác chủ ý và không chủ ý thú biển, công tác bảo tồn, cứu hộ thú biển tại Việt Nam và các đánh giá tương đương về luật thú biển ở Việt Nam có đủ điều kiện xuất khẩu mặt hàng hải sản vào Hoa Kỳ. Do đó, cần có những thông tin cho việc điều tra, nghiên cứu thú biển ở Việt Nam liên quan đến tình hình đánh bắt, khai thác và công tác bảo tồn, cứu hộ, tái thả thú biển tại Việt Nam.
Khảo sát, phỏng vấn người dân về hoạt động cứu hộ thú biển ở Việt Nam
Trong bối cảnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng quy trình kỹ thuật cứu hộ các loài động vật có vú ở biển Việt Nam” trong năm 2021 – 2022. Trong đó, có các Quy trình cứu hộ các loài cá voi, cá heo, dugong ở vùng biển Việt Nam là các sản phẩm chính của nhiệm vụ. Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ đã tiến hành điều tra, khảo sát thực địa và kết hợp với các số liệu lịch sử để xây dựng dự thảo quy trình cứu hộ. Nhiệm vụ sẽ tập trung đánh giá, phân tích một số vấn đề trọng tâm như: (i) Nghiên cứu, phân tích các cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học nhằm đưa ra được dự thảo quy trình cứu hộ và tái thả các loài thú biển phù hợp với điều kiện Việt Nam; (ii) Phân tích, xây dựng được các yêu cầu chung, yêu cầu kỹ thuật cụ thể cho việc áp dụng quy trình cứu hộ các loài thú biểnở vùng biển Việt Nam; (iii) Phân tích, xây dựng được Dự thảo quy trình kỹ thuật cứu hộ gồm các bước cụ thể về cứu hộ, vận chuyển, chăm sóc và tái thả các loài thú biển ở vùng biển Việt Nam. Đồng thời, qua đó có thể khẳng định rằng việc tiến hành điều tra, đánh giá tình trạng mắc cạn và cứu hộ các loài thú biển ở vùng biển Việt Nam trong bối cảnh hiện nay cần được chú trọng quan tâm.
Hội thảo đã giúp cho Ban Chủ nhiệm tiếp thu được những góp ý từ các chuyên gia, các nhà quản lý nhằm hoàn thiện hơn quy trình kỹ thuật cứu hộ các loài động vật có vú ở biển Việt Nam./.
Vũ Thị Thu Hằng, Hoàng Đình Chiều