Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Chi cục Thủy Sản, Trung tâm khuyến nông khuyến ngư, Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng, các ngư dân thành phố Vũng Tàu, huyện Long Điền, Lãnh đạo Phân Viện, trưởng, phó các đơn vị và các cán bộ khoa học thuộc Phân Viện. ThS Nguyễn Xuân Thi - Phân Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam chủ trì Hội thảo.
Chương trình Hội thảo gồm: (1) Đánh giá Hiện trạng công nghệ sấy và chất lượng mực ống khô; (2) Sơ lược tình hình khai thác, chế biến và xuất khẩu mực ống khô trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; (3) Giới thiệu đặc điểm, kết cấu và hệ thống thiết bị sấy mực ống bằng công nghệ sấy chân không (thiết bị Demo); (4) Đánh giá chất lượng mực ống khô sấy bằng phương pháp chân không và (5) Đặc điểm kết cấu và tính ổn định của tàu lưới kéo khai thác hải sản xa bờ, từ đó hoàn thiện thiết bị sấy Demo và định hướng thiết kế, chế tạo, lắp đặt thiết bị sấy phù hợp với tàu cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Toàn cảnh Hội thảo
Sau khi nghe 05 báo cáo, toàn thể hội thảo đã xem video tóm tắt quy trình sấy khô mực ống bằng phương pháp sấy chân không; và trực tiếp tham quan mô hình thiết bị sấy Demo (công suất đầu vào 10kg mực nguyên liệu) tại Phân Viện. Kết quả bước đầu đã tìm ra các thông số cơ bản cho quá trình sấy là nhiệt độ sấy 40oC, áp suất (700 - 720) mmHg, thời gian sấy là 11 giờ thì sản phẩm mực khô đạt độ ẩm (20 - 25) % và đạt các chỉ tiêu cảm quan, hóa học, vi sinh.
Tham quan thiết bị sấy (Demo) mực ống khô bằng sấy chân không tại Phân Viện
Trong phần thảo luận, các đại biểu tại Hội thảo đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm thực hiện, nhiều câu hỏi và góp ý về một số vấn đề như:
- Cần xem xét thiết bị Demo và tối ưu hóa các thông số vận hành trước khi lên phương án thiết kế, chế tạo, lắp đặt trên tàu cá tại địa phương;
- Lựa chọn tàu cá để lắp đặt thiết bị sấy phù hợp và chú ý đến tính toán cân bằng động của tàu cá cũng như thiết bị trong điều kiện sóng gió;
- Thiết bị khi chế tạo phải gọn gàng, đơn giản, dễ vận hành và hiệu quả sấy cao khi lắp đặt trên tàu;
- Quan tâm đến chất lượng mực ống khô khi áp dụng quy trình sấy chân không.
- Tính toán giá thành sản phẩm và so sánh với sản phẩm hiện có trên thị trường.
Kết luận tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Xuân Thi đánh giá cao kết quả bước đầu đạt được của nhóm thực hiện đề tài; đồng thời cảm ơn sự đóng góp nhiệt tình của các vị đại biểu; Yêu cầu Ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu tất cả các ý kiến để hoàn thiện thiết bị sấy Demo và áp dụng thành công cho tàu khai thác hải sản xa bờ trong thời gian tới.
Nguyễn Như Sơn - Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam