Đến dự Hội thảo có đại diện của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận,  Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam (ThS.Nguyễn Xuân Thi – Phân Viện trưởng, ThS. Đinh Xuân Hùng), Viện Hóa học các Hợp chất Thiên nhiên (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Hiệp hội chế biến Bình Thuận, Phòng kinh tế Thị xã Lagi, Phú Quý, Phan Thiết, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuy Phong, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bình Thuận, Công ty TNHH Hải Thuận, Công ty TNHH Môi trường Việt Thái Sinh, Công ty TNHH SEMIST VIETNAM, Công ty TNHH Tùng Lâm  và 30 Chủ tàu, ngư dân khai thác hải sản xa bờ của thành phố Phan Thiết và thị xã Lagi (Bình Thuận). Ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản Bình Thuận đã phát biểu khai mạc và bế mạc Hội thảo.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

          Chương trình Hội thảo gồm các nội dung: Báo cáo hiện trạng và giải pháp giảm thất thoát sau thu hoạch trên tàu khai thác hải sản xa bờ; giới thiệu mô hình công nghệ và thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu lưới kéo xa bờ tại Lagi, Bình Thuận; các công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả đánh bắt và chế biến hải sản; giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt cho tàu đánh bắt xa bờ; báo cáo đánh giá kết quả liên kết, liên doanh trong khai thác và thu mua sản phẩm nghề câu khơi tại thị xã Lagi trong thời gian qua; đồng thời nêu ra các thuận lợi và khó khăn trong hoạt động bảo quản sau thu hoạch trên tàu khai thác, việc thu mua sản phẩm, hoạt động của nậu vựa và các vấn đề khác của nghề cá trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Ảnh: Bài trình bày của Phân viện tại hội thảo

          Hội thảo đã diễn ra trong không khí long trọng, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm; các đại biểu thảo luận sôi nổi, đặc biệt bà con ngư dân được trực tiếp đánh giá, phản ánh những thuận lợi, khó khăn trong quá trình hoạt động và tâm tư nguyện vọng của bà con ngư dân. Đến với Hội thảo, bài trình bày của Phân viện với 02 nội dung: (1) Hiện trạng và giải pháp giảm thất thoát sau thu hoạch trên tàu khai thác xa bờ; (2) Mô hình công nghệ, thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu lưới kéo xa bờ (tàu BTh99567TS) tại Lagi, Bình Thuận; các báo cáo này được đánh giá cao, nhất là mô hình bảo quản trên tàu lưới kéo BTh 99567TS và được sự quan tâm lớn của các đại biểu và bà con ngư dân, mô hình này là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu công nghệ bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu lưới kéo xa bờ” triển khai tại Bình Thuận và được chính Chủ tàu, các ngư dân và Chi cục Thủy sản Bình Thuận đánh giá cao tính hiệu quả (Hệ thống thiết bị vận hành tự động, thời gian bảo quản  ≥ 24 ngày, chất lượng sản phẩm tăng trên 30% so với quy trình hiện tại, doanh thu chuyến biển tăng lên 20-25%, trong khi chi phí thấp hơn…), phù hợp với điều kiện thực tế của ngư dân.

          Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận cụ thể về những tồn tại, vướng mắc từ khâu khai thác – bảo quản – thu mua – chế biến/hoặc tiêu thụ; định hướng xây dựng chợ đầu mối thủy sản tại tỉnh Bình Thuận để các tổ chức có liên quan của Nhà nước, các doanh nghiệp tìm giải pháp khắc phục; đồng thời phải xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ khai thác đến cơ sở chế biến thực sự hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

          Hội thảo là nơi tạo cơ hội gặp gỡ và hứa hẹn về hợp tác của 04 nhà: nhà khoa học - nhà quản lý – doanh nghiệp chế biến - ngư dân nhằm góp phần thức đẩy ngành thủy sản Bình Thuận nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

          Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp cùng ngày.

                                                Đinh Xuân Hùng – Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam