Tham dự Hội nghị, về phía khách mời có ông Đỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình và các chuyên gia trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản; Về phía Viện nghiên cứu Hải sản, có TS. Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng, chủ trỉ hội nghị.

Cua cà ra (Eriocheir sinensis) hay vẫn thường gọi là: cà ra, cua lông, cua sông phân bố ở khắp các thủy vực nước ngọt miền Bắc nước ta, nhưng có nhiều ở một số tỉnh như: Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định là một loài có giá trị kinh tế do thịt thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người ưa dùng. Những năm trước đây và hiện tại ở Thái Bình, cua cà ra chỉ có thể khai thác ngoài tự nhiên để phục vụ cho tiêu thụ nội địa mà chưa có đơn vị và cá nhân nào nuôi đối tượng này. Nguồn lợi cua cà ra ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức, bên cạnh đó còn do tác động của con người làm thay đổi dòng chảy, nơi cư trú và bãi đẻ của cua cà ra càng dẫn tới nguồn lợi của lào này ngày càng thu hẹp. Để giảm áp lực khai thác tận diệt ngoài tự nhiên cũng như nhằm phục hồi nguồn lợi cua cà ra tại Thái Bình thì việc nghiên cứu xây dựng quy trình và thực nghiệm mô hình nuôi cua cà ra tại Thái Bình là rất cần thiết.

Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại Hội thảo

Sau 3 năm triển khai thực hiện (từ 01/2021-12/2023), đề tài “Khảo sát vùng phân bố và thử nghiệm nuôi cua cà ra (Eriocheir sinensis) thương phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái tại Thái Bình” đã hoàn thành được mục tiêu đề ra, đã xác định các vùng phân bố, khu vực nuôi tiềm năng của cua cà ra ở Thái Bình; Đã xây dựng được Quy trình nuôi thương phẩm cua cà ra phù hợp với điều kiện sinh thái tại Thái Bình với năng suất: >2,8 tấn/ha/vụ, tỷ lệ sống > 63.3%, kích cỡ cua cà ra thương phẩm > 75g/con; Đã xây dựng được mô hình nuôi thương phẩm cua cà ra tại Thái Bình với sản lượng đạt > 655 kg/ao/2.000m2, Năng suất: >3,2 tấn/ha/vụ,  tỷ lệ sống > 64,1%, kích cỡ thương phẩm > 85 g/con. Lợi nhuận đạt: 260 triệu đồng/ha (kết quả đạt và một số vượt so với hợp đồng).

Thông qua đề tài “Khảo sát vùng phân bố và thử nghiệm nuôi cua cà ra (Eriocheir sinensis) thương phẩm phù hợp với điều kiện sinh thái tại Thái Bình” sẽ tạo ra việc làm cho lao động chuyên và không chuyên, tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản vùng ven biển và các lao động dư thừa tại Hải Phòng. Kết quả của đề tài sẽ góp phần đưa một đối tượng nuôi mới với giá trị kinh tế cao vào thực tiễn sản xuất, thúc đẩy nghề nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Thái Bình phát triển. Đây là nguyện vọng không chỉ của người dân, mà còn là mục tiêu đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, nhằm đa dạng hoá ngành nghề, nâng cao chất lượng đời sống xã hội của người dân ven biển.

Ông Đỗ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Bình đánh giá cao kết quả thực hiện của đề tài

Với các kết quả đã đạt được, Hội đồng đã đánh giá cao kết quả thực hiện của đề tài, kết quả thực hiện của đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng đề nghị BCN đề tài tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến kết luận của Hội đồng trước khi trình nghiệm thu cấp quản lý. Kết quả đề tài được Hội đồng đánh giá xếp loại Đạt, trong đó có 3/7 phiếu đánh giá Xuất sắc./

Vũ Thị Thu Hằng