Toàn cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, Ban Chủ nhiệm dự án  cùng các thành viên đã báo cáo chi tiết thông tin chung của dự án, kế hoạch và giải pháp thực hiện các nội dung của dự án.  Mục tiêu chung của dự án là hoàn thiện được quy trình công nghệ, mô hình thiết bị và sản xuất thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine từ phế phụ phẩm cá tra quy mô bán công nghiệp. Về nội dung nghiên cứu, dự án tập trung thực hiện 05 nội dung chính gồm: (1) Hoàn thiện công nghệ, mô hình thiết bị sản xuất dịch đạm thủy phân từ phế phụ phẩm cá tra, quy mô 500 kg nguyên liệu/mẻ; (2) Hoàn thiện quy trình công nghệ và thiết bị sản xuất chế phẩm lysine hàm lượng cao, quy mô 1000 lít dịch lên men/mẻ; (3) Hoàn thiện quy trình công nghệ, mô hình thiết bị sản xuất thức ăn nuôi cá rô phi bổ sung dịch đạm thủy phân và chế phẩm lysine, quy mô 2000 kg/mẻ; (4) Đào tạo, chuyển giao công nghệ và tổ chức sản xuất thử nghiệm thức ăn nuôi cá rô phi giàu lysine và kinh doanh sản phẩm; (5) Xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine với quy mô 1ha.

Các sản phẩm chính của dự án là: 01-02 chủng vi khuẩn sinh lysine (đạt ≥35 gram/lít); Quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất chế phẩm lysine từ phế phụ phẩm cá tra, quy mô 1.000 lít/mẻ (năng suất ≥35 gram/lít); 200 kg chế phẩm lysine (Hàm lượng lysine ≥ 35%) + 25 tấn thức thủy sản (Lysine≥2%); Mô hình nuôi thử nghiệm thức ăn nuôi thủy sản giàu lysine với quy mô 1 ha; Đào tạo và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ kỹ thuật, vận hành công nghệ và thiết bị sản xuất; Bộ hồ sơ cơ sở: Sản phẩm thức ăn thủy sản bổ sung lysine.

 Kết thúc Hội thảo, Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Nguyên đánh giá dự án có tính khả thi. Tuy nhiên, Ban Chủ nhiệm dự án cần chú ý đẩy nhanh tiến độ; tránh nuôi cá rô phi vào mùa đông; linh hoạt trong cách sử dụng phương pháp tiếp cận; đặt hiệu quả kinh tế lên hàng đầu và tận dụng nguồn lực chuyên gia để có các bước triển khai dự án một cách tốt nhất.

Vũ Thị Thu Hằng