Phó Viện trưởng Nguyễn Khắc Bát trình bày báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị TS. Nguyễn Khắc Bát, Phó Viện Trưởng đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động KHCN năm 2017 và triển khai kế hoạch công tác năm 2017 của Viện nghiên cứu Hải sản. Năm 2017, Viện nghiên cứu Hải sản đã thực hiện tổng số 35 nhiệm vụ KHCN các cấp.
So với năm 2016 số nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp Bộ tăng; nhiệm vụ cấp Tỉnh/TP và hợp đồng nhánh giảm. Nhiệm vụ cấp Bộ, cấp Nhà nước tăng do các đề xuất của Viện đã bám sát các định hướng phát triển của Bộ, Ngành phù hợp với mục tiêu phát triển KHCN giai đoạn 2016-2020.
Về lĩnh vực nguồn lợi hải sản
Kết quả điều tra liên hợp Việt Trung, giai đoạn V (2017-2019), đã đánh giá được hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ. Các kết quả nghiên cứu sẽ phục vụ cho việc đàm phán điều chỉnh cường lực khai thác đảm bảo ổn định nguồn lợi trong khu vực này.
Kết quả “Điều tra tổng thể biến động nguồn lợi hải sản biển Việt Nam” đã xác định được trữ lượng tôm và các nhóm/loài hải sản thường gặp ở vùng biển ven bờ, xây dựng được sơ đồ phân bố nguồn lợi hải sản, nguồn lợi tôm và các loài/nhóm loài hải sản thường gặp ở vùng biển ven bờ.
Kết quả dự án I.8 “Điều tra tổng thể hiện trạng nguồn lợi thủy sản ven biển Việt Nam” giai đoạn 2017-2020, đã đánh giá được hiện trạng nguồn lợi, nguồn giống hải sản ở vùng biển ven bờ nước ta.
Kết quả về đánh giá nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái rạn san hô ở 04 tỉnh miền Trung cũng cho thấy rõ dấu hiệu phục hồi so với thời điểm xảy ra sự cố. Kết quả đánh giá góp phần xây dựng giải pháp phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển sau sự cố môi trường.
Nghiên cứu quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái, đã phân tích hiện trạng và cấu trúc nguồn lợi hải sản và hoạt động nghề cá tại các khu vực đã được phân vùng, góp phần cung cấp thông tin khoa học cho quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.
Về lĩnh vực đa dạng sinh học và bảo tồn biển
Lần đầu tiên công bố thành phần loài và đặc điểm phân bố nguồn lợi hải miên ở biển Việt Nam. Đã xác định được các nhóm loài có tiềm năng chiết xuất hoạt tính sinh học chống oxy hóa và kháng khuẩn.
Các kết quả nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loại rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu, Bước đầu đã xác định được trên 300 loài rong biển phân bố tại 10 đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam với trữ lượng ước tính trên 7.000 tấn tươi. Xác định được trên 100 loài rong biển có giá trị sử dụng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Trồng, phục hồi bốn rạn san hô và giám sát nguồn lợi rạn san hô tại 8 địa điểm rạn san hô ưu tiên ven biển Vườn Quốc Gia Cát Bà;
Đánh giá được hiện trạng và diễn biến hệ sinh thái rạn san hô và nguồn lợi một số nhóm loài hải sản phân bố trong vùng rạn tại vùng biển bị ảnh hưởng của sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung. Kết quả góp phần xây dựng giải pháp phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển sau sự cố môi trường.
Về dự báo ngư trường
Tiếp tục duy trì xây dựng và phát hành bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản nghề câu cá ngừ đại dương, rê, vây và chụp mực. Các bản tin dự báo bước đầu đã được đánh giá và kiểm chứng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ thiết thực cho công tác chỉ đạo và thực tiễn sản xuất.
Về quan trắc và cảnh báo môi trường biển
Kết quả quan trắc và phân tích môi trường vùng biển Đông-Tây Nam bộ, biển Côn Sơn và vùng nuôi cá biển tập trung, năm 2017 cho thấy chất lượng môi trường vùng nuôi cá biển tập trung tiếp tục bị suy giảm và ô nhiễm: Chỉ số tai biến môi trường khu vực nuôi Cát Bà-Hải Phòng, Long Sơn-Bà Rịa Vũng Tàu tiếp tục ở mức nguy cơ tai biến môi trường (>0,75) và ảnh hưởng tai biến môi trường (>1,0) đối với hoạt động nuôi.
Nhiệm vụ “Đánh giá chất lượng môi trường, khả năng phục hồi nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái sau sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung”
Chất lượng môi trường nước biển ở 4 tỉnh miền Trung sau sự cố thể hiện rõ xu hướng ngày càng tốt hơn so với thời điểm xảy ra sự cố; Tuy nhiên, hàm lượng một số thông số môi trường như Fe, CN-, NH4+ vẫn ở mức cao so với trước khi xảy ra sự cố môi trường, hàm lượng NH4+ ở mức vượt giới hạn cho phép;
Các độc chất CN-, Fe, phenol trong môi trường trầm tích đã giảm mạnh so với thời điểm xảy ra sự cố, trong đó phenol có mức độ giảm lớn nhất (trên 95%).
Về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản góp phần phát triển nghề khai thác hải sản và kinh tế-xã hội nghề cá
Đã ứng dụng và chuyển giao thành công hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp khai thác hải sản ven bờ, giúp cho đội tàu nâng cao hiệu quả sản xuất so với công nghệ cũ đang được sử dụng
Nhiệm vụ xây dựng TCVN về lĩnh vực khai thác và bảo quản sản phẩm thủy sản: các nhiệm vụ: TCVN thiết bị khai thác thủy sản –Lưới vây cá ngừ đại dương-Thông số kích thước cơ bản; TCVN Thiết bị khai thác thủy sản – Lưới chụp; TCVN Quy trình bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ; TCVN Quy trình bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu cá ngừ đại dương, các nhiệm vụ trên đã và đang triển khai thực hiện. Kết quả nhiệm vụ làm cơ sở trong việc quản lý, áp dụng các kỹ thuật đã được nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất được hiệu quả.
Về công nghệ sinh học biển
“Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm thức ăn bổ sung giàu axit béo từ vi tảo biển nhằm phục vụ sản xuất giống thuỷ sản”, đã sưu tập được 02 chủng giống tảo và hoàn thiện kỹ thuật lưu giữ giống làm nguyên liệu nuôi sinh khối; đã đề xuất xây dựng được quy trình nuôi vi tảo biển giàu axit béo đạt chất lượng đã hoàn thiện kỹ thuật thu, bảo quản sản phẩm tảo cô đặc thời gian bảo quản 3-6 tháng với tỷ lệ sống đạt >70%.
Về công nghệ Sau thu hoạch
Cải tiến thiết bị và công nghệ bảo quản thủy sản trên tàu lưới kéo xa kéo xa bờ bằng làm lạnh hỗn hợp; Ứng dụng công nghệ bảo quản thủy sản bằng UFB nâng tỉ lệ chất lượng cá ngừ; Nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh, bổ sung vào công đoạn thủy phân rút ngắn thời gian chế biến, hạn chế các mùi không không mong muốn; Nghiên cứu hoàn thiện một số sản phẩm từ hàu (nước uống hàu, bột dinh dưỡng ngao, mực nhồi ăn liền... Tất cả những nghiên cứu trên góp phần trong việc tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, tăng giá trị sản phẩm.
Về nuôi biển, tái tạo nguồn lợi
Các nghiên cứu về lĩnh vực sản xuất giống và nuôi nuôi trồng hải sản đã có những kết quả đáng ghi nhận: Sinh sản nhân tạo hải sâm đen H. leucospilota, sản xuất giống và nuôi thương phẩm bào ngư chín lỗ tại huyện Cô Tô, Quảng Ninh. sinh sản nhân tạo cá mao ếch, sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm cá bống tro, chuyển đổi giới tính cá bống bớp toàn đực, bảo tồn và phát triển nguồn gen ... đã góp phần trong việc tạo nguồn giống chủ động , giải quyết việc làm và phát triển KT-XH cho các tỉnh ven biển.
Về công tác quản lý KHCN
Nhằm nâng cao vai trò công tác quản lý các nhiệm vụ KHCN, năm 2017 Viện nghiên cứu Hải sản phối hợp với cơ quan quản lý các cấp kiểm tra Hồ sơ và thực địa 45/45 nhiệm vụ (tỉ lệ 100%); Công tác quản lý KHCN có nhiều chuyển biến tích cực, đã thực hiện tốt công tác tham mưu lãnh đạo Viện các Quy định quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN có hiệu quả; Việc đề xuất danh mục các đề tài, dự án đã bám sát nội dung Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về công tác, thông tin, xuất bản
Công tác quảng bá kết quả nghiên cứu ngày càng được chú trọng. Tổng số 69 bài; với 62 bài trong nước và 07 bài quốc tế.
Hoàn thành xuất bản sách chuyên khảo“Atlats cá rạn san hô thường gặp ở biển Việt Nam”, hoàn thành bản thảo sách chuyên khảo Atlas các loài hải miên thường gặp ở biển Việt Nam và “Tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề khai thác ghẹ xanh ở Kiên Giang“.
Về công tác hợp tác quốc tế
Công tác tổ chức, quản lý đoàn ra/đoàn vào được thực hiện tốt, có chất lượng và theo đúng quy định với mục đích cử các cán bộ đi công tác nước ngoài theo đúng nội dung, tính chất công việc. Năm 2017, Viện đã cử 20 đoàn ra hợp tác quốc tế ra nước ngoài học tập, công tác, tham gia hội nghị, hội thảo và đón 16 đoàn vào thuộc các tổ chức quốc tế khác nhau. Công tác HTQT đã có tiến bộ rõ rệt trong năm 2017 gây được ấn tượng tốt đẹp và nâng cao vị thế của Viện với bạn bè quốc tế. Năm 2017 có 02 nhiệm vụ HTQT đã được triển khai thực hiện.
Về công tác đào tạo
Hội đồng Khoa học - Đào tạo thực hiện tốt công tác tư vấn, đánh giá nghiệm thu các đề tài, dự án ngày càng đảm bảo chất lượng và chặt chẽ hơn, hướng tới nâng cao chất lượng nghiên cứu đạt được tính ứng dụng và tính khả thi áp dụng vào thực tiễn sản xuất, gắn với doanh nghiệp và ngư dân.
Viện nghiên cứu Hải sản hiện có 24 Nghiên cứu sinh đang học tập tại các trường Đại học trong và ngoài nước (19 NCS đào tạo trong nước, 05 NCS đào tạo tại nước ngoài), 03 cán bộ đào tạo thạc sỹ trong nước. Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho đội ngũ nghiên cứu của Viện.
Hội nghị cũng được nghe những ý kiến phát biểu thảo luận của Trưởng các đơn vị về công tác chuyên môn, tổ chức cán bộ, hợp tác quốc tế, công tác chính quyền, đoàn thể và phương hướng nhiệm vụ của Viện năm 2017, khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, tăng cường năng lực, phát triển đội ngũ cán bộ có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.
Viện trưởng Nguyễn Quang Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, Viện trưởng Nguyễn Quang Hùng nhận định năm 2017 với khối lượng công việc lớn, số lượng người không thay đổi nhưng Viện vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Báo cáo tổng kết đã thể hiện rõ những kết quả đã đạt được và chỉ rõ những tồn tại cũng như hạn chế; Lãnh đạo Viện cũng như Trưởng các đơn vi đã kịp thời tư vấn cho Lãnh đạo Bộ trong tất cả các lĩnh vực như: (1) Nguồn lợi, trữ lượng và khả năng khai thác, những vấn đề liên quan đến Đề án “Bảo vệ nguồn lợi hải sản ven bờ”. Con số trữ lượng hải sản được Bộ và các tỉnh rất quan tâm. (2) Khai thác: đã tư vấn quy hoạch khai thác xa bờ (đây là tư vấn dài hạn cho Bộ và Chính phủ trong việc quản lý khai thác). (3)Dự báo: đã tư vấn giúp Tổng cục, Bộ trong chỉ đạo sản xuất; Quản lý khoa học đã từng bước cải tiến phương pháp quản lý khoa học, rút ngắn thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả. Nghiên cứu khoa học cần phải tăng cường kiểm tra giám sát, đảm bảo thực hiện đúng quy đinh của Pháp luật; Hợp tác quốc tế với sự nỗ lực của Ban Lãnh đạo Viện bước đầu có Dự án hợp tác với CEFAS; Công tác tài chính cần tiếp tục cải tiến các thủ tục hành chính và đưa ra quy trình rõ ràng về thanh quyết toán; Công tác hành chính đã có cải tiến và dần tiến tới công nghệ thông tin, xong cần tiếp tục cải thiện Website Viện.
Kết thúc Hội nghị, Viện trưởng đánh giá năm 2017 Viện đã có những bước tiến mới, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những bước chuyển biến mạnh áp sát yêu cầu của Bộ; những nỗ lực gây dựng vị thế và tăng cường tiếng nói của Viện đã bước đầu mang lại hiệu quả Viện đang thể hiện một không khí lao động, phấn đấu sôi nổi, khẩn trương hơn, chào đón năm 2018 thành công hơn nữa.
Vũ Thị Thu Hằng