Phó Viện trưởng Nguyễn Văn Nguyên trình bày báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị TS. Nguyễn Văn Nguyên, Phó Viện Trưởng đã trình bày Báo cáo kết quả hoạt động KHCN năm 2018 và triển khai kế hoạch công tác năm 2019 của Viện nghiên cứu Hải sản. Năm 2018, Viện nghiên cứu Hải sản triển khai thực hiện 37 nhiệm vụ KHCN các cấp (12 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 18 nhiệm vụ cấp Bộ, 07 nhiệm vụ cấp Tỉnh/TP); Ngoài ra, các đơn vị còn thực hiện 10 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng,01 nhiệm vụ hợp tác quốc tế; đào tạo 12 nghiên cứu sinh; thực hiện 02 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu. Thực hiện chức năng tư vấn đối với các vấn đề chung của Bộ, Ngành và các địa phương.
Trong năm, Viện cũng đề xuất và mở mớiđược 11 nhiệm vụ Khoa học công nghệ các cấp (04 nhiệm vụ cấp Nhà nước; 05 nhiệm vụ cấp Bộ; 03 nhiệm vụ cấp tỉnh/Thành phố).
Về lĩnh vực nguồn lợi hải sản
Kết quả khảo sát cập nhật nguồn lợi cá nổi lớn xa bờ, đặc biệt là các loài cá ngừ nhỏ có sự biến động mạnh theo thời gian. Điều tra trong mùa gió Tây Nam năm 2018cho thấy năng suất khai thác cá ngừ vằn giảm xuống ngưỡng thấp nhất trong nhiều năm qua. Các nhóm khác như mực xà, cá vền, cá nục heo, cá kiếm, cá cờ đều suy giảm năng suất khai thác và tần suất bắt gặp.
Sản lượng và cường lực khai thác tiếp tục được đánh giá nhằm cung cấp thông tin khoa học cho việc điều chỉnh cường lực khai thác đối với nghề cá nước ta. Kết quả phân tích cho thấy, cường lực và sản lượng khai thác tiếp tục vượt quá ngưỡng cho phép. Cường lực khai thác tăng lên trong năm 2017 nhưng sản lượng khai thác không tăng lên mà giảm khoảng 8,8% so với kết quả đánh giá năm 2015
Về lĩnh vực đa dạng sinh học và bảo tồn biển
Đã đưa ra được bức tranh toàn cảnh về đa dạng sinh học và nguồn lợi rong biển phân bố tại 10 đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam, trong đó bước đầu đã sử dụng phương pháp sinh học phân tử để xác định chính xác tên khoa học của một số loài rong biển có sự đa dạng về hình thái. Triển khai xây dựng thành công 02 mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu. Cả hai mô hình rong phát triển tốt, phù hợp với điều tự nhiên, môi trường, sinh thái tại các đảo tiền tiêu; có triển vọng phát triển trở thành một trong những đối tượng nuôi trồng quan trọng.
Tiếp tục hoạt động thử nghiệm phục hồi san hô tại khu vực Cát Bà.
Về dự báo ngư trường
Đã xây dựng được ngư trường tập trung của một số nghề khai thác cá nổi nhỏ (nghề rê, vây và chụp) dựa trên tri thức bản địa theo vụ cá bắc và cá nam. Đồng thời một số đặc trưng hải dương cũng được thống kê, tạo cơ sở khoa học trong xây dựng dự báo ngư trường khai thác cá nổi nhỏ.
- Xây dựng và cung cấp kịp thời bản tin dự báo ngư trường hạn mùa, hạn tháng, hạn tuần và một số yếu tố hải dương (nhiệt độ tầng mặt, dòng chảy...) hỗ trợ hoạt động khai thác hải sản trên các phương tiện truyền thông.
Về quan trắc và cảnh báo môi trường biển
Nhiệm vụ khảo sát bổ sung, đánh giá mức độ phục hồi của hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã đánh giá được hiện trạng, mức độ phục hồi của nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái thủy sinh tại khu vực 4 tỉnh và đề xuất giải pháp phục hồi tại 4 tỉnh. Nhiệm vụ đã có những đóng góp trực tiếp cho quản lý với các giải pháp cụ thể được Bộ và Chính phủ chấp thuận.
Về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác hải sản góp phần phát triển nghề khai thác hải sản và kinh tế-xã hội nghề cá
Lĩnh vực công nghệ khai thác cũng tiếp tục có những đóng góp rất cụ thể cho công tác cơ giới hóa nghề cá. Viện đã chuyển giao thành công 21 mô hình tời thủy lực thay thế cho tời cơ truyền thống của nghề lưới chụp mực khai thác hải sản xa bờ tại nhiều địa phương trong cả nước. Đây sẽ là các hạt nhân để lan tỏa ra đội tàu hiện tại của cả nước, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất
Về công nghệ sinh học biển
Đã hoàn thiện công nghệ sản xuất sản phẩm tảo cô đặc C. calcitrans và N. Oculata. Hiện tại đang tiếp tục cải tiến công nghệ thu và bảo quản tươi sống các loài tảo này và hoàn thiện kỹ thuật nuôi, thu và bảo quản tảo I. Galbana để tạo sản phẩm cô đặc của ba loài vi tảo phục vụ sản xuất thủy sản.
Về công nghệ Sau thu hoạch
Công nghệ và thiết bị nano UFB để bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay đã được Viện nghiên cứu và thử nghiệm với chất lượng tương đương thiết bị và công nghệ nano UFB của Nhật Bản.
Kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cá hộp không thanh trùng từ cá tra, cá basa đã tạo ra một dòng sản phẩm mới ở Việt Nam, có triển vọng ứng dụng trong thực tế.
Nhóm nghiên cứu CNSTH của Viện cũng tạo ra nhiều sản phẩm mới, với tính sáng tạo rất cao như sản phẩm mới như uống từ hàu, bột ngao dinh dưỡng, mực nhồi ăn liền, bạch tuộc lên men, surimi từ mực đại dương, bột đạm, dịch đạm dinh dưỡng từ cá nóc... đây là những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và chứa các hoạt chất cần thiết cho cơ thể. Bột đạm, dịch đạm từ cá nóc là nguyên liệu lý tưởng cho sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng từ cá nóc.
Về nuôi biển, tái tạo nguồn lợi
Xây dựng được quy trình sản xuất giống bào ngư chín lỗ đạt tỷ lệ sống ổn định ≥ 7%, với quy mô đạt ≥ 800.000 con/năm phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng biển Cô Tô, Quảng Ninh phục vụ sản xuất giống cung cấp cho các hộ dân
Xây dựng thành công 5 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm đạt năng suất cao vụ Thu-Đông ở các tỉnh miền Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Địnhvà Thừa Thiên Huế) đạt năng suất từ 10-14 tấn/ha/vụ. Kết quả các mô hình đã được các cấp chính quyền địa phương, người dân ủng hộ, hưởng ứng và có khả năng nhân rộng trong các năm tiếp theo.
Về công tác quản lý KHCN
Viện nghiên cứu Hải sản phối hợp với cơ quan quản lý các cấp (Bộ Khoa học Công nghệ và môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, Sở Khoa học và Công nghệ các Tỉnh/Thành phố)đã tiến hành kiểm tra giám sát 31/37 nhiệm vụ KHCN các cấp (tỉ lệ 84%), 06 nhiệm vụ còn lại (tỉ lệ 16%) mới bắt đầu triển khai thực hiện sẽ tiến hành giám sát vào đợt tiếp theo. 100% các nhiệm vụ được kiểm tra, đánh giá về tình hình thực hiện các nội dung nghiên cứu; số lượng và khối lượng sản phẩm; tiến độ thực hiện theo thuyết minh đề cương được duyệt và Hợp đồng đã ký; tình hình giải ngân của nhiệm vụ.
Về công tác, thông tin, xuất bản
Công tác quảng bá kết quả nghiên cứu ngày càng được chú trọng. Cán bộ viên chức lao động của Viện đã đăng tải được 74 bài báo khoa học trong và ngoài nước. Trong đó, có 10 bài báo đăng tải trên tạp chí quốc tế (2 bài ISI) và 64 bài đăng tải trên tạp chí trong nước
Xuất bản 4 số ẩn phẩm KHCN Nghề cá biển. Các ấn phẩm này được gửi tới các cơ quan, sở ban ngành có liên quan và 28 tỉnh ven biển.
Xuất bản 01 số chuyên đề nghề cá biển (với 26 bài nghiên cứu về kết quả KHCN) trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, Viện không xuất bản được Atlas chuyên khảo như dự kiến.
Về công tác hợp tác quốc tế
Công tác hợp tác quốc tế tuy đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về cách tiếp cận các nguồn tài trợ mới trong khối ASEAN, APEC và cách thức tổ chức các hoạt động nhưng vẫn chưa mở mới thêm nhiệm vụ hợp tác quốc tế về KH&CN. Công tác đối ngoại của Viện đã không ngừng được mở rộng, nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu. Một số biên bản hợp tác nghiên cứu đang dừng ở mức thiết lập quan hệ hữu nghị ban đầu. Quy chế hoạt động của Ban Hợp tác quốc tế đã ban hành nhưng cần kiện toàn, bổ sung cho phù hợp với điều kiện mới. Đội ngũ cán bộ chuyên môn còn yếu về ngoại ngữ để kêu gọi các nguồn tài trợ. Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đối ngoại còn thiếu do một số cán bộ trong Ban Hợp tác quốc tế đã chuyển công tác hoặc đi học ở nước ngoài.
Về công tác đào tạo
Viện quản lý tốt công tác đào tạo trình độ tiến sĩ theo khóa học, năm học và theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Bộ GD&ĐT. Năm 2019, Phòng KHHTQT&ĐT và Tiểu ban đào tạo Sau đại học cần đề xuất giải pháp cụ thê đê có được học viên theo học sau đại học trình độ tiến sỹ.
Toàn cảnh Hội nghị
Kết thúc Hội nghị, Viện trưởng nhận định năm 2018 Viện đã có những bước tiến mới, hoạt động nghiên cứu khoa học đã có những bước chuyển biến mạnh áp sát yêu cầu của Bộ; có những đột phá đáp ứng nhu cầu quản lý hiện đại. Viện trưởng cũng đánh giá cao mọi sự cố gắng của toàn bộ tập thể và chúc cho Viện năm 2019 sẽ thành công hơn nữa.
Vũ Thị Thu Hằng