Hội nghị đã tổng kết tình hình sản xuất khai thác vụ cá Nam năm 2016, các giải pháp triển khai thực hiện vụ cá Bắc năm 2016-2017; đồng thời đánh giá các thuận lợi, khó khăn và việc thực thi các văn bản quản lý, các chính sách phát triển thủy sản. Tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Nam năm 2016 đạt 1.778 ngàn tấn (tăng 2,24% so với vụ cá Nam năm 2015). Các tỉnh có sản lượng khai thác thủy sản đạt cao, bao gồm: Ninh Thuận, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Kiên Giang, Bình Định. Một số tỉnh có sản lượng khai thác thấp như: Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Bạc Liêu, Bến Tre.

          Hội nghị đã đánh giá mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của sự cố môi trường tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đến kết quả khai thác thủy sản. Sự cố môi trường này đã tác động lớn đến suy giảm nguồn lợi hải sản, các hoạt động khai thác hải sản, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ hậu cần nghề cá.

          Hội nghị đã tập trung thảo luận về kết quả thực hiện các chính sách phát triển thủy sản như: chính sách hỗ trợ ngư dân tham gia khai thác ở vùng biển xa bờ (Quyết định số: 48/2010/QĐ-TTg); Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP. Tính đến hết tháng 9/2016, các địa phương đã phê đuyệt danh sách đóng mới, nâng cấp cho 1.820 tàu (đóng mới 1.457 chiếc, nâng cấp 363 chiếc), trong đó 225 tàu đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Về cơ bản, chính sách đã thực hiện có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần phát triển thủy sản theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực thi chính sách cũng đã được chỉ ra, như: vấn đề giải ngân sau ngày 31/12/2016; vấn đề mua bảo hiểm cho phương tiện; việc miễn thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng; đào tạo, tập huấn cho ngư dân,...

          Viện nghiên cứu Hải sản đã đánh giá kết quả dự báo ngư trường khai thác hải sản vụ cá Nam năm 2016 và triển khai dự báo ngư trường khai thác cho vụ cá Bắc năm 2016-2017. Trong thời gian qua, công tác dự báo ngư trường khai thác hải sản của Viện nghiên cứu Hải sản đã đạt được những kết quả tốt. Đây là kết quả của quá trình nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào xây dựng dự báo ngư trường khai thác hải sản. Đồng thời, phương thức chuyển tải thông tin dự báo đến ngư dân ngày càng được đa dạng hóa thông qua các kênh thông tin như: truyền hình, radio, internet,… đảm bảo được tính thời sự phục vụ cho công tác chỉ đạo và thực tiễn sản xuất.

          Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã đánh giá tình hình sản xuất khai thác hải sản vụ Nam đã gặp nhiều khó khăn (sự cố môi trường, tình hình phức tạp ở Biển Đông) ảnh hưởng đến sản xuất ngành. Ngành thủy sản từ Trung ương đến các địa phương đã nỗ lực chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vường mắc. Kết quả khai thác thủy sản vụ Nam năm 2016 đã duy trì được sản lượng và có bước phát triển (tăng 2,24% so với vụ cá Nam năm 2015). Tuy nhiên, các vấn đề tồn tại còn nhiều, ví dụ: việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm; chưa có lộ trình giảm áp lực khai thác hải sản ở vùng ven bờ; tình hình vi phạm của tàu cá có dấu hiệu gia tăng,... Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã chỉ đạo một số vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong thời gian tới:

          (1) Hướng ngư dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong khai thác, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm khai thác; thay đổi định hướng tư duy để nâng cao giá trị thay vì nâng cao sản lượng để nâng cao thu nhập cho người dân. Viện nghiên cứu Hải sản cần tiếp tục làm tốt công tác dự báo ngư trường, đề xuất các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm để tham mưu cho Bộ và các địa phương triển khai thực hiện.

          (2) Tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho tàu cá: Đối với những vùng biển đã có thoả thuận quốc tê, cần hướng dẫn ngư dân đồng thời tăng cường các chế tài xử lý để hạn chế vi phạm. Đối với vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao gồm cả vùng biển Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cần có hỗ trợ ngư dân khai thác.

          (3) Tăng cường công tác bảo vệ nguồn giống thủy sản, môi trường: Tổng cục Thuỷ sản tham mưu cho Bộ, địa phương như đề xuất của Viện nghiên cứu Hải sản đã nêu tại Hội nghị để xây dựng các khu vực bảo vệ nguồn lợi; tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành trên biển. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát các nguồn xả thải ở các địa phương trong nội địa và ven biển; thí điểm quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản cho 4 tỉnh miền trung; có giải pháp cho nghề lưới kéo đáy, lồng ghép vào các chính sách hiện có để chuyển đổi nghề lưới kéo đáy theo lộ trình cụ thể;

          (4) Giải pháp đối với 4 tỉnh miền trung: Bộ đã rất quyết liệt vào cuộc để tham mưu cho chính phủ (điều tra nguyên nhân, khắc phục sự cố, ổn định tổ chức). Cần tiếp tục chỉ đạo để khắc phục sự cố, ổn định và khôi phục sản xuất thủy sản.

          (5) Về chính sách 48; 67; 89: Bộ ghi nhận những kiến nghị của các địa phương để báo cáo Chính phủ, phối hợp với các Bộ, ngành để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bộ sẽ tiếp tục rà soát tổng thể lại các chính sách đã ban hành để điều chỉnh phù hợp, đầy đủ hơn, tránh chồng chéo nhằm nâng cao hiệu quả của các chính sách.

Nguyễn Viết Nghĩa