Thạc sỹ Đỗ Văn Thành – Chủ nhiệm nhiệm vụ báo cáo kết quả nghiên cứu
Với mục tiêu phát triển thuỷ sản thành ngành kinh tế quan trọng, phát triển bền vững. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó các bộ, ban ngành và các địa phương đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình để cụ thể hoá các nhiệm vụ xoay quanh 3 trụ cột cốt lõi: giảm khai thác, tăng nuôi trồng và đẩy mạnh bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Với định hướng trên tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch số 914/KH- UBND triển khai thực hiện đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Nghệ An với mục tiêu đến hết năm 2030 số tàu khai thác thuỷ sản toàn tỉnh còn lại 2.537 chiếc (trong đó vùng khơi 1.005 chiếc; vùng lộng và vùng ven bờ 1.532 chiếc); Chuyển đổi 20 tàu làm nghề lưới kéo khai thác vùng khơi sang nghề lồng bẫy, chụp, vây, câu, dịch vụ hậu cần, lưới rê (trừ rê thu ngừ); Chuyển đổi 100 tàu khai thác vùng biển ven bờ, vùng lộng đang khai thác hải sản sang nghề nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản, nghề cá giải trí, các nghề kinh tế khác. Trên thực tế trữ lượng nguồn lợi khai thác thuỷ sản ở vùng biển nước ta có xu hướng giảm rõ rệt. Vì vậy để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản có hiệu quả và mang tính bền vững thì việc chuyển đổi nghề khai thác Hải sản xâm hại, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản sang các nghề có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang là hướng đi đúng, phù hợp với chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam cũng như mong muốn của các hộ ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ đã thực hiện thành công và được Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đánh giá cao và nghiệm thu thông qua. Các thành viên Hội đồng cho rằng nhiệm vụ đã thực hiện đáp ứng mục tiêu đề ra theo các nội dung đặt hàng cụ thể:
- Đã điều tra, đánh giá được hiện trạng và nhu cầu chuyển đổi nghề của cộng đồng ngư dân làm nghề khai thác hải sản.
- Đã xây dựng được mô hình thí điểm chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, huỷ diệt nguồn lợi sang các nghề có tính chọn lọc cao.
- Đã đề xuất được dự thảo chính sách và các giải pháp chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, huỷ diệt nguồn lợi sang các nghề có tính chọn lọc cao phù hợp nhằm ổn định sinh kế cho cộng đồng ngư dân.
Kiến nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, tham mưu UBND tỉnh ưu tiên nguồn lực, xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, huỷ diệt nguồn lợi sang các nghề có tính chọn lọc cao trên điện bàn tỉnh Nghệ An.
Phạm Huy Hưng