Toàn cảnh buổi Hội thảo
Thanh Hoá là tỉnh nằm ở cực Bắc Trung Bộ, có nhiều đặc điểm riêng biệt, nổi trội, tạo nên lợi thế so sánh rất lớn: vùng lãnh hải rộng lớn với bờ biển dài 102 km, thuận lợi cho đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tạo cho Thanh Hóa những thuận lợi cơ bản, có khả năng và điều kiện vươn lên phát triển thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, bền vững. Tuy nhiên, để phát triển thủy sản Thanh Hóa gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia còn một số tồn tại, hạn chế như: 1) Chưa có điều tra nguồn lợi hải sản để làm luận cứ cho việc phát triển đội tàu và cơ sở hạ tầng nghề cá; 2) Chưa có nhiều chương trình phát triển đội tàu khai thác vùng khơi và cơ chế, chính sách thích hợp để hỗ trợ đội tàu tham gia bảo vệ chủ quyền biển khi có tình huống xảy ra; 3) Chưa có nhiều dự án cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, cơ sở hạ tầng nuôi ven biển; 4) Công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho ngư dân, giúp họ nâng cao nhận thức về vai trò của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chưa thường xuyên; 5) Công tác phát triển các tổ, đội, khai thác; hợp tác xã nuôi trồng, chế biến,… hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất, quản lý và bảo vệ an ninh trên biển; 6) Chưa có nhiều chương trình phát triển kinh tế thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền trên các đảo ở Thanh Hóa; 7) Sự phối hợp giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển và ngư dân, các hộ nuôi ven biển chưa nhiều.
Chính vì vậy, việc xây dựng nhiệm vụ “Lập Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là rất cần thiết.
Đề án đã được thực hiện trong vòng 5 tháng và đạt được mục tiêu đề ra với những nội dung cơ bản, như: Đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội; tình hình thực hiện các chính sách; hiện trạng khai thác, bảo vệ nguồn, nuôi trồng, hậu cần, dịch vụ hậu cần, chế biến thương mại thuỷ sản và tình hình ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến ngư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2021; kết quả các hoạt động phát triển thủy sản Thanh Hóa gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; Dự báo được các yếu tố tác động đến sự phát triển thủy sản của tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Xây dựng được các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực thủy sản được ưu tiên thực; Đã đưa ra được quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp phù hợp định hướng phát triển thủy sản tỉnh Thanh Hóa; Đảm bảo yêu cầu thống nhất, liên kết, đồng bộ giữa Đề án với các định hướng phát triển thủy sản của Trung ương, địa phương; Đã thực hiện lồng ghép với, xem xét sự phù hợp với các quy hoạch khác có liên quan đến lĩnh vực thủy sản của tỉnh, đặc biệt là quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đảm bảo sự kết hợp hài hòa, đồng bộ về không gian, tiết kiệm kinh phí đầu tư, giảm thiểu các vấn đề chồng chéo, phân tán và lãng phí nguồn lực.
Với các kết quả đã đạt được, sáng ngày 16/9/2022, Viện nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội nghị KHCN đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở kết quả thực hiện đề án. Hội đồng đánh giá cao kết quả đã đạt được và đề nghị Ban Chủ nhiệm đề án tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến kết luận của Hội đồng. Kết quả đề án được Hội đồng đánh giá xếp loại Đạt./.
Vũ Thị Thu Hằng