Toàn cảnh hội nghị

          Hội đồng nghiệm thu gồm có 07 thành viên do TS. Nguyễn Quang Hùng làm Chủ tịch; Kỹ sư cao cấp Phạm Văn Ninh, Ủy viên - Phản biện 1; TS. Nguyễn Long, Ủy viên -  Phản biện 2; TS. Đỗ Văn Nam, Ủy viên; TS. Đào Trọng Hiếu, Ủy viên; NCVC Nguyễn Văn Thục, Ủy viên; Th.S Phan Đăng Liêm, Ủy viên - Thư ký.

          Tại Hội nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt mục tiêu, nội dung nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, cũng như kết quả thực hiện của đề tài. Mục tiêu chung của đề tài là có được công nghệ và thiết bị bảo quản sản phẩm khai thác trên tàu lưới kéo xa bờ nhằm giảm thất thoát chất lượng sản phẩm trên tàu. Kết quả thử nghiệm Quy trình công nghệ, hệ thống thiết bị bảo quản trên tàu lưới kéo xa bờ BTh 99567 TS của tỉnh Bình Thuận cho kết quả khả quan. Cụ thể: (1) Quy trình công nghệ bảo quản thủy sản trên tàu lưới kéo xa bờ bằng làm lạnh hỗn hợp phù hợp với điều kiện sản xuất và trình độ của ngư dân Việt Nam. (2) Hệ thống thiết bị vận hành tự động hóa, ổn định, hiệu quả; Thiết bị (máy nén) được trích lực từ máy chính nên lượng tiêu hao nhiên liệu của động cơ chính tăng thêm 2% (với tàu Công suất 500 CV). (3) Chất lượng sản phẩm tăng trên 30% (từ 15,37%-108,8% tùy theo từng chỉ tiêu) so với quy trình hiện tại của ngư dân (bảo quản bằng mước đá). Chất lượng cảm quan, hóa sinh đều nằm trong giới hạn an toàn thực phẩm. Giảm được từ 52,8% - 80,2% tổn thất về khối lượng (trọng lượng) so với quy trình hiện tại của ngư dân (bảo quản bằng mước đá). (4) Thời gian bảo quản thủy sản là 25 ngày; (quy trình bảo quản bằng nước đá có thời gian bảo quản < 10 ngày). (5) Lượng nước đá sử dụng cho bảo quản giảm khoảng 55-60% tính cho cá chọn so với lúc chưa lắp đặt hệ thống lạnh). Nước đá mang theo tích trữ dưới hầm không bị hao hụt (nhờ nhiệt độ hầm bảo quản duy trì từ  -10C). (6) Giá bán sản phẩm của tàu thử nghiệm cao hơn giá sản phẩm của tàu đối chứng từ 4.000 đ - 16.000đ/kg (không tính cá phân) tùy từng loại cá.  Doanh thu chuyến biển tăng lên 13-19%, trong khi chi phí thấp hơn (do lượng nước đá sử dụng cho bảo quản giảm khoảng 55-60%). 

          Kết quả của đề tài là cơ sở để từng bước giảm thất thoát sau thu hoạch theo Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; đồng thời thực hiện quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ngoài ra, sẽ góp phần giúp các tàu lưới kéo xa bờ hoạt động thời gian dài trên biển, góp phần tích cực vào việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ vùng biển, đảo của Tổ quốc; gắn kết giữa nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng, an ninh.

Một số hình ảnh hoạt động của đề tài

          Các thành viên Hội đồng đã đưa ra các nhận xét góp ý cho đề tài. Đề tài đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công nghệ bảo quản thủy sản trên Tàu lưới kéo xa bờ. Chất lượng báo cáo về cơ bản là tốt; nhưng để có kết quả cao nhất khi nghiệm thu cấp Bộ, chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung báo cáo theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.

          Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài. Đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn cao, có tính mới sáng tạo, có hiệu quả ứng dụng tốt. Đề tài hoàn thành cơ bản số lượng, chất lượng sản phẩm. Hội đồng đã bỏ phiếu và nhất trí nghiệm thu với tổng số phiếu 4/7 xuất sắc, 3/7 đạt.

     Vũ Thị Thu Hằng.