Toàn cảnh Hội nghị
Hội đồng nghiệm thu gồm có 07 thành viên do PGS.TS. Đỗ Văn Khương làm Chủ tịch; TS. Nguyễn Huy Yết, Ủy viên - Phản biện 1; PGS.TS Khuất Hữu Thanh, Ủy viên - Phản biện 2; PGS.TS Đỗ Công Thung, Ủy viên; TS. Đào Mạnh Sơn, Ủy viên; TS. Trần Mạnh Hà, Ủy viên; TS. Bùi Thu Hiền, Ủy viên - Thư ký.
Tại Hội nghị, Ban Chủ nhiệm đề tài đã trình bày tóm tắt mục tiêu, nội dung nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, cũng như kết quả thực hiện của đề tài. Mục tiêu chung của đề tài là đánh giá nguồn lợi hải miên ở các vùng biển đảo trọng điểm; đánh giá khả năng chiết xuất các chất hoạt tính sinh học trong hải miên
Các thành viên Hội đồng đã đưa ra các nhận xét góp ý cho đề tài. Hội đồng cũng đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài: (1)Đề tài đã xác định được thành phần loài hải miên ở vùng biển ven đảo Cô Tô, Ba Mùn, Cồn Cỏ, Hòn Cau, Phú Quý và Phú Quốc. Xác định được các họ hải miên có sinh lượng cao, các loài có ưu thế ở từng vùng ven đảo và ước tính được trữ lượng hải miên ở các vùng ven đảo nghiên cứu với phạm vi từ bờ đến độ sâu <25m; (2) Xác định được các loài hải miên có khả năng chiết xuất hoạt tính chống oxy hóa, các loài hải miên có khả năng chiết xuất hoạt tính kháng khuẩn cao. Đồng thời xây dựng được 02 quy trình chiết xuất chất có hoạt tính sinh học chống oxy hóa và kháng khuẩn. Đề tài sử dụng phương pháp điều tra phù hợp với đối tượng nghiên cứu, chất lượng sản phẩm công nghệ tốt; phương pháp hóa sinh phù hợp và mang tính hiện đại; kết luận có tính khoa học cao. Tuy nhiên để có kết quả cao nhất khi nghiệm thu cấp Bộ, chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung báo cáo theo ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng.
Kết luận tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng đã đánh giá cao kết quả đạt được của đề tài. Đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn cao, có tính mới sáng tạo, có hiệu quả ứng dụng tốt. Sản phẩm đề tài đều đạt chỉ tiêu và vượt số lượng đăng ký. Hội đồng đã bỏ phiếu và nhất trí nghiệm thu với tổng số phiếu đạt 7/7.
Vũ Thị Thu Hằng.