Đã hết thời hạn nhưng Hải Phòng mới có 1/3 số lượng tàu hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Ảnh: Đinh Mười.

Mới có 150/426 tàu cá hoàn thành

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp-PTNT, đến nay, TP Hải Phòng đã triển khai xong việc lắp đặt hệ thống đường truyền kết nối Internet tốc độ cao, hệ thống máy tính, màn hinh, trang thiết bị để phục vụ việc truy cập, theo dõi tàu cá trên hệ thống giám sát hành trình về quản lý tàu cá.

Tuy nhiên, đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá, vấn đề cực kỳ quan trọng liên quan đến truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt thì đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Trong khi, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m đã hết thời hạn.

Lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá Theo Nghị định 26 ngày 8/3/2019 của Chính phủ:Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/1/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/4/2020.

Lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá theo Nghị định 26 ngày 8/3/2019 của Chính phủ: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019; đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/1/2020; tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m phải lắp trước ngày 1/4/2020.

Tại quận Đồ Sơn, một trong những nơi có nhiều tàu cá neo đậu, có cảng cá Ngọc Hải được Bộ NN-PTNT chỉ định đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt thì hiện nay mới chỉ có 3/20 tàu hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

Tại Thủy Nguyên, Cát Hải, Dương Kinh... số lượng tàu cá hoàn thành việc lắp đặt theo quy định cũng rất thấp.

Về vấn đề này, trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Thanh Xuân – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng cho hay: Thời gian qua, cơ quan chức năng đã rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản theo đúng quy định.

Tuy nhiên, hiện tại, toàn thành phố mới triển khai lắp đặt được 150/419 thiết khi giám sát hành trình cho tàu cá và hơn 40 trường hợp chủ tàu ký cam kết lắp đặt thiết bị giám sát. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện.

Ngư dân thiếu kinh phí lắp đặt

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các tàu cá chậm lắp thiết bị giám sát hành trình là do kinh phí.

Ông Hoàng Đình Dũng – Trưởng phòng Kinh tế quận Đồ Sơn cho biết: Quận đã tổ chức vận động và yêu cầu các chủ tàu cá khẩn trương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với 20 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m đến dưới 24m theo quy định.

Phối hợp với Chi cục Thủy sản thực hiện kẻ vẽ số tàu, sơn biển nhận biết cho 180 tàu cá ra vào cảng cá Ngọc Hải. Tuy nhiên, đến hiện tại việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gặp khó khăn. 

Việc ngư dân chậm trễ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình một phần do kinh phí. Ảnh: Đinh Mười.

Qua khảo sát của PV, trên thị trường, các thiết bị giám sát hành trình tàu cá có giá dao động từ 20-30 triệu đồng/thiết bị, trong khi việc đánh bắt thủy hải sản của người dân ngày càng khó khăn, nguồn lao động biển thiếu.

Mặt khác, theo quy định, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá phải được kết nối đồng bộ với hệ thống giám sát tàu cá ở Trung ương và 28 tỉnh thành ven biển và tự động truyền thông tin về hành trình.

Tuy nhiên, hiện nay, các thiết bị giám sát hành trình đang được lắp đặt trên tàu cả Hải Phòng hầu hết sử dụng máy (VX- 1700) chưa được tích hợp tính năng gửi tin nhắn tự động, nên ngư dân và cơ quan chức năng đều rất lúng túng trong việc xử lí vấn đề này.

Do đó, việc hỗ trợ của Trạm bờ trong việc kiểm soát hành trình để truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt trên tàu cá của Hải Phòng cũng chưa thực hiện được đồng bộ, chủ động..

Anh Nguyễn Văn Ngọc – một thuyền trưởng lái tàu ở cảng cá Ngọc Hải cho hay: “Tàu tôi đã lắp thiết bị hành trình, tuy nhiên cũng có một số tau khác chưa lắp. Nếu được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt thì tôi nghĩ sẽ nhanh hơn”.

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, mấu chốt là thiếu kinh phí, cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải pháp để cùng ngư dân tháo gỡ. 

Còn nhiều việc phải làm

Về việc triển khai Luật Thủy sản, chống khai thác IUU, trong một buổi làm việc tại Hải Phòng, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo địa phương cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề như: Việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trên biển cũng như tàu cá xuất, cập bến; việc khai báo sản lượng thủy sản khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản ở tất cả các khâu trong chuỗi từ khai thác đến khi xuất khẩu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đảm bảo đúng đối tượng, đúng thẩm quyền, đúng mức vi phạm... 

Việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan chức năng trong việc chống khai thác IUU tại Hải Phòng cần chặt chẽ hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Thực hiện chỉ đạo này và các ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 465/BNN-TCTS ngày 15/01/2020 về tập trung thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU, Hải Phòng đã rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, nhật ký khai thác, báo cáo khai thác, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản theo đúng quy định.

Đồng thời Hải Phòng cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động chống khai thác IUU và  đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí để thực hiện.

Đến nay, cơ bản Hải Phòng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Tuy nhiên, các hoạt động của lực lượng chức năng về chống khai thác IUU còn những hạn chế nhất định, như: việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác IUU chưa chặt chẽ, xử phạt chưa nghiêm.

Việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng qua cảng và thực hiện công tác xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác còn hạn chế.

Việc ghi chép nhật ký, báo cáo khai thác, nhiều ngư dân chưa ghi dùng, ghi đủ theo quy định. Vệ sinh môi trường cảng cá Ngọc Hải vẫn còn tồn tại hạn chế; luồng, lạch bị bồi lắng, không thường xuyên được cải tạo, nạo vét.

Kinh phí bố trí triển khai thực hiện kế hoạch chống khai thác bất hợp pháp còn nhiều hạn chế: Kinh phí tuyên truyền, nâng cấp cơ sở vật chất, phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát...

Do vậy, thời gian tiếp theo, các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn.

Tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cả hoạt động trên biển và tại cảng cá; kiên quyết xử lý các hành vi cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật về chồng khai thác IUU.

Mặt khác, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định tới các chủ tàu, thuyền trưởng và các hộ kinh doanh thủy sản tại cảng cá. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong việc xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.

Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 5/7/2019: Nếu chủ tàu không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, sẽ bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 15m đến dưới 24m và từ 500 - 700 triệu đồng đối với tàu có chiều dài từ 24m trở lên.

ĐINH MƯỜI