TS. Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng - Vụ Khoa học Công nghệ  - Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, dưới sự chủ trì của: PGS.TS Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng - Tổng cục Thủy sản; TS. Nguyễn Khắc Bát-Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản; TS. Nguyễn Quang Tin, Phó vụ trưởng - Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ NN&PTNT; Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Hội nghị đã được nghe các nhà khoa học, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thủy sản giới thiệu về tiến bộ kỹ thuật mới điển hình đã được nghiên cứu và triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất giai đoạn 2014-2019 về các lĩnh vực: Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản.

Nhiều công nghệ thể hiện ưu điểm vượt trội mang lại hiệu quả cao đã và đang được áp dụng như:

* Lĩnh vực khai thác: “Giải pháp ứng dụng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới chụp ở vùng biển xa bờ Việt Nam”, đã mang lại hiệu quả rõ rệt hơn so với sử dụng tời cơ ma sát, tăng tuổi thọ dây giềng rút, tăng diện tích mặt boong thao tác, giảm nhân lực từ 2-3 người, thu nhập lao động tăng khoảng 1,23 lần. “Quy trình khai thác, sơ chế và bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay”, Chất lượng cá ngừ đại dương khi áp dụng quy trình công nghệ đã tăng lên rất nhiều so với tàu của ngư dân, tỉ lệ cá đạt tiêu chuẩn xuất Nhật đạt 22% (cá của tàu ngư dân 0%) và các chỉ tiêu hóa sinh đều đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định; “Công nghệ khai thác hải sản bằng lưới rê hỗn hợp ở vùng biển biển xa bờ Việt Nam”, Công nghệ đã mang lại hiệu quả rõ rệt so với lưới rê truyền thống, năng suất khai thác cao hơn từ 1,13 - 2,6 lần, thời gian thu lưới ngắn hơn, giảm được 3-4 lao động,  giảm cường độ làm việc và tăng thu nhập cho người lao động; “Quy trình công nghệ khai thác, lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dương giống” đã thiết kế và thi công được hệ thống lồng lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dượng giống; đã khai thác, lưu giữ và vận chuyển sống thành công 1.233 con cá ngừ đại dương giống (cỡ cá từ 2 đến 4 kg/con) về tới cơ sở nuôi thương phẩm tại Khánh Hoà; “Hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy ở Việt Nam” giảm nhân lực lao động (khoảng 02 người), thu nhập tăng khoảng 1,28 lần. Hệ thống hoạt động an toàn, giảm thời gian thu lưới xuống còn 0,67 lần; có khả năng trang bị thêm từ 95 cheo lưới.

* Lĩnh vực bảo quản và chế biến thuỷ sản:

Công nghệ bảo quản hải sản bằng lạnh kết hợp, bảo quản Nano kết hợp lạnh, bảo quản đá sệt (đá lỏng, đá bùn, đá tuyết,...), bảo quản lạnh ngâm kết hợp phụ gia thực phẩm, duy trì nhiệt độ bảo quản nguyên liệu hải sản ở nhiệt độ -1,5oC đến -3,0oC, hải sản bảo quản được từ 20 đến 25 ngày (gấp 2,5 lần bảo quản bằng nước đá) giảm thất thoát sau thu hoạch, kéo dài thời gian bảo quản, phù hợp với thời gian của 01 chuyến biển xa bờ.

Công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh tạo hương nước mắm; sản xuất 02 loại nước mắm có hương thơm tự nhiên đặc trưng đạt TCVN 5107:2003; Sản xuất cá hộp lên men không thanh trùng từ cá tra; sản xuất một số sản phẩm thực phẩm từ nhuyễn thể (nước uống từ hàu, bột dinh dưỡng từ ngao, mực nhồi ăn liền, bạch tuộc lên men); Sản xuất surimi và một số sản phẩm mô phỏng từ mực đại dương; Sản xuất bột và syrup cá nóc giàu dinh dưỡng; Sản xuất bột đạm thủy phân từ phế phụ phẩm cá tra; Sản xuất một số thực phẩm chức năng từ vi tảo Nannochloropsis oculata. Các TBKT mới đã góp phần tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm GTGT, cải tiến sản phẩm truyền thống, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, đa dạng hoá sản phẩm.

Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận một số hạn chế khó khăn vướng mắc hiện nay đó là: (1) Quy trình công nghệ được ứng dụng vào mô hình căn cứ chủ yếu là sản phẩm các đề tài nghiên cứu, các tài liệu kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn, quy trình tạm thời của Tổng cục Thủy sản; (2) Nhiều mô hình đã được ứng dụng, chuyển giao TBKT để xây dựng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế, kỹ thuật, đã được nông dân ứng dụng rộng rãi, các tài liệu tập huấn được biên soạn dưới dạng sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, quy trình công nghệ được công nhận là tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế; (3) Sự gắn kết khoa học công nghệ với thực tế sản xuất còn hạn chế. Các kết quả của các đề tài nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu mà ít có điều kiện ứng dụng vào thực tế sản xuất để kiểm chứng và so sánh đánh giá. Công tác chuyển giao công nghệ, nhân rộng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất còn chậm; (4) Phương tiện và thiết bị nghiên cứu còn thiếu và chưa được đầu tư đồng bộ nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc triển khai các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm trên biển.

 Hội thảo đã trao đổi một số định hướng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong những năm tiếp theo: Tiếp tục chuyển giao, nhận rộng mô hình đã nghiên cứu thành công giai đoạn 2014-2019 thông qua cầu nối cơ quan khuyến nông Trung ương, các tỉnh/Thành phố; Nghiên cứu mô hình liên kết theo chuỗi từ khai thác, bảo quản đến chế biến rồi tiêu thụ sản phẩm; Xây dựng mô hình liên kết: giữa các nhà Nghiên cứu - Doanh nghiệp - Ngư dân - Tổ chức dịch thu mua, bảo quản - Cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật trong tất cả các giai đoạn của chuỗi từ khai thác đến tiêu thụ.

Hội thảo đã nhận được nhiều những góp ý, thảo luận và mong muốn những tiến bộ kỹ thuật mới ngày càng được đến gần với người dân để tiếp cận công nghệ mới trong sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Các đại biểu tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng vụ thu – đông tại Đồ Sơn – Hải Phòng.

 Trần Thị Ngà, Vũ Thị Thu Hằng

KH,HTQT&ĐT